Hy Lạp ngày 12/10 đã đưa ra lời chỉ trích trên trong bối cảnh nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực ấn định thời hạn tiến hành đàm phán nhằm tháo gỡ căng thẳng giữa hai nước liên quan tới tranh chấp về việc thăm dò dầu khí và chủ quyền lãnh hải tại Đông Địa Trung hải.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu thăm dò Oruc Reis trở lại Đông Địa Trung Hải là "mối đe dọa trực tiếp tới an ninh và hòa bình trong khu vực". Bộ trên cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ "không thực sự mong muốn tiến hành đối thoại".
Bộ Ngoại giao Hy Lạp đưa ra tuyên bố trên sau khi hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tối 11/10 thông báo tàu thăm dò Oruc Reis của nước này sẽ thực hiện khảo sát địa chấn tại Đông Địa Trung Hải trong 10 ngày tới. Hai tàu khác, gồm Ataman và Cengiz Han, cùng với tàu thăm dò Oruc Reis sẽ tiếp tục công việc tại khu vực gồm cả đảo Kastellorizo miền Nam của Hy Lạp cho đến ngày 22/10.
Hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt từ lâu là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã gây ra nhiều căng thẳng giữa hai nước, thậm chí hai bên tiếp tục leo thang căng thẳng với nhiều hoạt động trên quân sự trên biển.
Hồi tháng trước, Ankara đã rút tàu Oruc Reis khỏi vùng biển tranh chấp để mở đường cho các biện pháp ngoại giao trước thềm một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU). Chính quyền Ankara khẳng định việc rút tàu khảo sát Oruc Reis ra khỏi khu vực tranh chấp không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ chủ quyền đối với nguồn tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải.
Tại hội nghị vừa qua, EU khẳng định sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục hoạt động khảo sát trong khu vực - động thái mà Ankara tuyên bố làm căng thẳng hơn nữa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU.