Tuyên bố của NATO nêu rõ: "Sau một loạt các cuộc gặp mang tính kỹ thuật giữa các đại diện quân sự Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tại trụ sở của NATO ở Brussels, một cơ chế giảm xung đột quân sự song phương đã được thiết lập ngày 1/10". Cơ chế mới được thiết kế nhằm giảm nguy cơ xảy ra các sự cố bất ngờ tại Đông Địa Trung Hải, bao gồm việc thiết lập một đường dây nóng giữa hai nước, tạo điều kiện giảm xung đột trên biển và trên không.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng ra tuyên bố hoan nghênh động thái "mang tính đột phá" này. TTK bày tỏ cảm ơn hai bên vì "cam kết mang tính xây dựng". Ông nhấn mạnh cơ chế an toàn này có thể giúp tạo một không gian cho các nỗ lực đối thoại nhằm giải quyết tranh chấp. Ông cũng cho biết thêm rằng NATO "sẵn sàng phát triển cơ chế này hơn nữa".
Hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt từ lâu là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ-hai nước thành viên NATO. Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu thăm dò địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã gây ra những căng thẳng mới giữa hai nước, thậm chí hai bên tiếp tục leo thang căng thẳng với nhiều hoạt động trên quân sự trên biển.
Chính quyền Athens đã nhiều lần kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara từ bỏ những đòi hỏi sở hữu các tuyến hàng hải tại các khu vực tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi các nước EU từ bỏ chính sách ủng hộ "một cách mù quáng" các nước thành viên của mình là Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus trong cuộc đối đầu căng thẳng về các quyền thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo của EU sẽ nhóm họp tại Brussels trong hai ngày 1-2/10 để thảo luận về các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và tình hình ở khu vực Đông Địa Trung Hải.