Mỹ và Hy Lạp khẳng định phân định ranh giới trên biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế

Mỹ và Hy Lạp ngày 28/9 đã kêu gọi các bên liên quan cùng giải quyết tranh chấp hàng hải ở phía Đông Địa Trung Hải một cách hòa bình. 

Thông điệp trên được đưa ra trong bối cảnh hai quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thăm dò về tranh chấp chủ quyền trên biển, vốn gây căng thẳng trong khu vực trong nhiều tuần qua, với đỉnh điểm là vụ va chạm giữa các tàu chiến của hai nước. 

Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias tại thành phố Thessaloniki (miền Bắc Hy Lạp) nêu rõ: "Mỹ và Hy Lạp một lần nữa khẳng định sự tin tưởng rằng các vấn đề phân định ranh giới trên biển cần được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế". Hai bên cũng nhấn mạnh sẵn sàng sử dụng "mọi biện pháp thích hợp" để bảo vệ sự ổn định trong khu vực. 

Chú thích ảnh
Các tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu thăm dò Oruc Reis (giữa) ở ngoài khơi thành phố Antalya, trên Địa Trung Hải ngày 10/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Pompeo - người đang có chuyến thăm hai ngày tới Hy Lạp - trước đó cho biết Mỹ "quan ngại sâu sắc" về các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải. Hồi tháng trước, Ankara đã gây phản ứng mạnh mẽ của Athens khi cử một tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis cùng nhiều tàu chiến hộ tống tới vùng biển tranh chấp, để lên kế hoạch cho công tác khai thác dầu khí ở một khu vực được cho là giàu tài nguyên năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã điều con tàu trở về cảng, nhưng vẫn khẳng định không từ bỏ quyền khai thác khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.

Mỹ hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác năng lượng với Hy Lạp - quốc gia đang tìm cách trở thành một trung tâm năng lượng ở khu vực Balkan và giúp châu Âu đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình. Athens đã nhập khẩu một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Nước này đang phát triển một kho chứa LNG nổi và đơn vị tái khí hóa ngoài khơi cảng Alexandroupolis, nhằm trung chuyển khí đốt qua Bulgaria và từ đó đến Trung Âu vào đầu năm 2023. Hy Lạp đang bán phần lớn cổ phần tại cảng Alexandroupolis và cũng đang tìm kiếm một nhà đầu tư để vận hành một phần các cơ sở cảng Kavala ở miền Bắc nước này.

Thanh Phương (TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Hy Lạp tận dụng cơ hội đàm phán về Đông Địa Trung Hải
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Hy Lạp tận dụng cơ hội đàm phán về Đông Địa Trung Hải

Ngày 23/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng Hy Lạp sẽ không bỏ lỡ cơ hội đối thoại, sau khi hai bên nhất trí sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về tranh chấp tại khu vực Đông Địa Trung Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN