Huyện ở Trung Quốc gây tranh cãi vì kêu gọi phụ nữ 'ế' kết hôn với đàn ông thất nghiệp

Một huyện ở miền trung Trung Quốc đã gây tranh cãi khi đưa ra một loạt các biện pháp khuyến khích phụ nữ độc thân kết hôn, thậm chí với cả đàn ông thất nghiệp, trong nỗ lo tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Chú thích ảnh
Các cặp đôi tham dự lễ cưới tập thể theo nghi lễ ttruyền thống thời Hán ở tỉnh Giang Tây. Ảnh: Reuters

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhà chức trách huyện Nghi Hoàng, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đang tung ra các ưu đãi về nhà ở, việc làm, cũng như trợ cấp sinh đẻ cho phụ nữ và chồng nhằm khuyến khích phụ nữ độc thân kết hôn.

“Hiện nay, tình trạng nữ cán bộ, người lao động chưa kết hôn ở huyện chúng ta đã trở thành vấn đề rất nổi cộm, cần sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ của toàn xã hội”, chính quyền huyện Nghi Hoàng cho biết trong một văn bản, đề cập đến những người phụ nữ trên 26 tuổi chưa lập gia đình.

Gây tranh cãi hơn, giới chức còn khuyến khích những người phụ nữ này kết hôn với đàn ông thất nghiệp. Họ đưa ra những cam kết như sẽ đào tạo nghề, khởi nghiệp, cho vay kinh doanh và ưu tiên các vị trí dịch vụ công cho những người đàn ông này. Đề xuất đã được đăng trên mạng xã hội và gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao việc họ lựa chọn không kết hôn lại trở thành vấn đề nghiêm trọng.

“Tôi biết rõ lý do khiến tỉ lệ kết hôn và tỉ lệ sinh đang giảm mạnh. Nhưng nếu chúng ta không tôn trọng phụ nữ hoặc coi phụ nữ như một con người, thì sự diệt vong sẽ không còn xa!”, một người bình luận trên nền tảng mạng xã hội Weibo.

Một người khác nói: “Tại sao lại có quan điểm phụ nữ 26 tuổi là già và phải sinh con với đàn ông thất nghiệp?”.

Trung Quốc đang phải vật lộn với tỉ lệ kết hôn và tỉ lệ sinh ngày càng giảm. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền các địa phương trên khắp đất nước đã thúc đẩy hàng loạt chính sách, bao gồm thiết lập cơ sở dữ liệu mai mối chính thức, tổ chức các hoạt động hẹn hò và cung cấp tiền trợ cấp nhà ở dựa trên số lượng con trong mỗi gia đình. Huyện Nghi Hoàng có dân số 240.000 người cũng đang thu thập thông tin từ những phụ nữ độc thân để thiết lập cơ sở dữ liệu cho mục đích mai mối.

Năm ngoái, đề xuất từ một quan chức cấp cao của tổ chức tư vấn về việc khuyến khích phụ nữ "ế" thành thị kết hôn với đàn ông nông thôn chưa lập gia đình cũng gây ra làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ.

Ở Trung Quốc, phụ nữ “ế”, hay “sheng nu”, là một từ dùng để mô tả những phụ nữ độc thân ở độ tuổi 27, thường là những phụ nữ thành thị và có học vấn cao, vì một lý do nào đó mà không lập gia đình.

Theo số liệu thống kê chính thức, Trung Quốc đã ghi nhận tỉ lệ sinh thấp kỷ lục vào năm 2021, mặc dù đã chấm dứt chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2016 và cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con. Trong năm 2021, Trung Quốc đã có thêm 10,62 triệu trẻ sơ sinh - giảm 11,5% so với 12 triệu vào năm 2020. Tỉ lệ sinh trên toàn quốc cũng giảm còn 7,52 ca sinh/1.000 dân, giảm từ 8,52 ca/1.000 dân vào năm 2020, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Hải Vân/Báo Tin tức
Độc đáo phiên chợ Tết trên tàu hỏa ở Trung Quốc
Độc đáo phiên chợ Tết trên tàu hỏa ở Trung Quốc

Đối với người dân sống trong những ngôi làng xa xôi ở vùng núi của tỉnh Liêu Ninh, việc đi chợ ngày Tết không phải chuyện dễ dàng. Vì vậy, "chợ Tết trên tàu" đã tìm đến họ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN