Hungary-EU leo thang căng thẳng vì người di cư

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/12 thông báo chính thức khởi kiện Hungary liên quan tới việc quốc gia này ban hành luật hạn chế người tị nạn khiếu nại sau khi hồ sơ xin tị nạn đã bị từ chối.

Người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Lesbos của Hy Lạp sau hành trình vượt biển Aegean ngày 26/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Hungary lập tức gọi đây là "hành động trả đũa mang động cơ chính trị" sau khi Hungary hồi tuần trước nộp đơn kiện Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới kế hoạch áp dụng hạn ngạch phân bổ người nhập cư giữa 28 quốc gia thành viên.

Luật mới của Hungary yêu cầu người xin tị nạn bị từ chối phải rời khỏi lãnh thổ Hungary ngay cả khi thời hạn khiếu nại vẫn còn hoặc trước khi đơn khiếu nại được xem xét. EC cho rằng luật mới của Hungary không phù hợp với các quy định của EU và tước đi cơ hội của người xin tị nạn được trình bày những thông tin mới.

Ủy ban này cũng lo ngại kể cả khi đơn khiếu nại được xem xét thì cũng không thể đảm bảo tính công bằng cho người tị nạn. EC đã gửi thông báo chính thức tới Hungary về vấn đề này và gia hạn 2 tháng để chính phủ Hungary đưa ra phúc đáp. Trong trường hợp Hungary không thể trả lời hoặc đưa ra câu trả lời không thỏa đáng, EC sẽ đưa vụ việc ra Tòa án tối cao châu Âu.

Tuy nhiên, đại diện chính phủ Hungary Janos Lazar tuyên bố các quy định về xin tị nạn của Hungary phù hợp với hiến pháp nước này cũng như những cam kết về nhân quyền, đồng thời khẳng định Hungary sẽ áp dụng biện pháp cần thiết chống lại vụ kiện tụng trên.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Pháp cũng kết án 5 năm tù giam đối với 5 đối tượng cầm đầu đường dây buôn người từ Pháp qua đường hầm Channel sang Anh. Tòa án thành phố Rennes ở miền tây nước Pháp đã mở phiên tòa xét xử 18 bị cáo liên quan tới vụ đưa 127 người nhập cư Albania vào Anh năm 2012.

Năm đối tượng cầm đầu đến từ Albania, Kosovo và Pháp lĩnh mức án 5 năm tù giam, trong khi các thành viên khác lĩnh mức án từ 6 tháng tù treo tới 18 tháng tù giam. Mạng lưới này đã sử dụng tàu cao tốc và thuyền buồm, tổ chức 16 đợt vận chuyển người từ các cảng ở miền tây và miền bắc nước Pháp. Các nạn nhân phải trả khoảng 22.000 USD cho một gia đình trong một chuyến đi. Vụ việc bị phát giác tháng 1/2013. Hiện 2 trong số 5 tên cầm đầu vẫn đang bị truy nã và xử vắng mặt tại phiên tòa nói trên. 

Trong khi đó, ngày 10/12, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Petteri Orpo cho biết khoảng 300 người xin tị nạn tại quốc gia này có liên quan tới các hoạt động khủng bố. Cục Điều tra Phần Lan cũng mới công bố bắt giữ 2 đối tượng người Iraq tình nghi liên quan tới các cuộc khủng bố tại Iraq và là thành viên của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Bộ Nội vụ nước này đã đóng cửa 2 trung tâm tiếp nhận tị nạn và xem xét tăng cường an ninh cho các điểm còn lại

Cũng liên quan tới vấn đề người di cư, theo một nguồn tin ngoại giao, EU đang xem xét khả năng áp dụng một cơ chế "hãm khẩn cấp" số lượng người nhập cư đổ về Anh. Đây được coi là một giải pháp thay thế cho việc đáp ứng kiến nghị cải cách mới đầy tranh cãi liên quan tới người nhập cư mà Thủ tướng David Cameron đệ trình hồi tháng trước như một điều kiện để Anh ở lại EU.

Theo đó, Anh có thể hạn chế số người từ 27 quốc gia còn lại của EU nhập cư vào quốc gia này nếu như các dịch vụ công và các quỹ phúc lợi xã hội của Anh bị quá tải. Một cơ chế như vậy nếu được thông qua sẽ chỉ được thực hiện khi Anh vẫn tiếp tục ở lại EU sau cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này dự kiến diễn ra vào cuối năm 2017.

Động thái tương tự của EU cũng đã thực hiện năm 1992 nhằm giữ Đan Mạch ở lại khối này và biện pháp đưa ra đã được thỏa thuận sau đó. Hồi tháng trước, ông Cameron đã đệ trình danh sách 4 điểm cải cách lên EU, trong đó có kiến nghị hạn chế lao động nhập cư tiếp cận phúc lợi xã hội trong 4 năm đầu vào châu Âu gây ra nhiều tranh cãi nhất bởi các thành viên khác cho rằng kiến nghị này đi ngược lại nguyên tắc chung của toàn khối về tự do di chuyển.

TTXVN/Tin Tức
Đức áp dụng thẻ căn cước thống nhất với người tị nạn
Đức áp dụng thẻ căn cước thống nhất với người tị nạn

Nội các Đức ngày 9/12 đã nhất trí một dự luật yêu cầu áp dụng bắt buộc thẻ căn cước thống nhất đối với người tị nạn đến nước này. Với việc áp dụng thẻ căn cước thống nhất, các dữ liệu liên quan sẽ được quản lý một cách thống nhất, giúp đơn giản hóa việc đăng ký cũng như xác định người tị nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN