Loạt vụ xả súng và đánh bom đẫm máu gần như đồng thời xảy ra tối 13/11 ở Paris (Pháp) - một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa từng được ví như "kinh đô ánh sáng" của thế giới - là hồi chuông khẩn cấp tiếp theo cảnh báo nguy cơ ngày càng gia tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Hồi giáo cực đoan và sự bành trướng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS). Chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang biến đổi và lớn mạnh khó có thể kiểm soát, từ âm mưu, mức độ, phạm vi cho tới cách thức hành động. Các tổ chức khủng bố đang vươn những chiếc vòi bạch tuộc đe dọa an ninh toàn cầu.
Thảm kịch tại Paris cùng một loạt vụ khủng bố xảy ra trước đó tại nhiều nơi trên thế giới cho thấy các âm mưu, kế hoạch tấn công của bọn khủng bố ngày càng thâm độc, dã man và tàn ác. Mức độ tàn khốc của các vụ tấn công do IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan, khủng bố quốc tế gây ra ngày càng lớn. Chỉ tính riêng trong hai tháng gần đây, các vụ tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ, vụ tai nạn máy bay Nga tại Ai Cập, đặc biệt là loạt vụ khủng bố liên hoàn tại Paris tối 13/11, đã gây thương vong cho hơn 1.000 người, trong đó số người thiệt mạng trong mỗi vụ đều vượt quá con số 100 người.
Ngoài những tổn thất về sinh mạng, các vụ khủng bố còn gây ra những thiệt hại rất lớn về tinh thần và vật chất. Chúng gieo rắc tâm lý hoang mang, bất an trong dân chúng; ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội, làm suy giảm nhiều ngành kinh tế, nhất là du lịch. Điều đáng nói hơn là chúng gây ra sự chia rẽ, nghi kỵ lẫn nhau giữa các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo…. Nguy cơ về khủng bố do IS và Hồi giáo cực đoan còn lớn hơn nếu các tay súng sử dụng các loại vũ khí giết người hàng loạt trong các vụ tấn công khủng bố.
Thi thể các nạn nhân vụ tấn công khủng bố bên ngoài quán giải khát ở La Bonne Biere, trung tâm Paris ngày 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS, không hề che giấu âm mưu phát triển cái gọi là "Nhà nước IS" tại khắp nơi trên thế giới, kể cả châu Âu. Các nhóm Hồi giáo cực đoan tuyên bố sẽ đưa tới châu Âu thêm hàng triệu người Hồi giáo, trong đó có nhiều thành viên của IS. Không ai có thể biết trong dòng người tị nạn đã và đang ồ ạt đổ vào châu Âu có bao nhiêu tay súng IS. Những kết quả điều tra ban đầu từ vụ khủng bố ở Paris càng làm gia tăng mối lo ngại về việc các tay súng khủng bố đã và đang trà trộn vào dòng người di cư để vào châu Âu. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, số người di cư trái phép vào các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã lên tới 1,2 triệu người, gấp 4 lần so với năm ngoái. Đây là một con số kỷ lục trong lịch sử EU.
Lâu nay, châu Âu đã và đang thực hiện một chính sách hết sức nhân đạo đối với những người vì những lý do như xung đột, chiến tranh,… phải tìm cách tị nạn, nhập cư vào châu Âu. Thế nhưng, chính sách ưu đãi đó đang bị chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lợi dụng để tiến hành các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn. Thực tế đó khiến chính giới và người dân châu Âu nhận thấy cần phải có sự thay đổi về quan niệm và chính sách đối với người nhập cư.
Ngay sau vụ khủng bố 13/11, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có cuộc gặp Tổng thống Pháp François Hollande và đề nghị có những "điều chỉnh khắc nghiệt" về chính sách an ninh. Ông Sarkozy cũng nhấn mạnh "chúng ta cần đưa ra những câu trả lời tương xứng, một suy nghĩ sâu sắc hơn về chính sách đối ngoại, những quyết định trên bình diện châu Âu và những điều chỉnh khắc nghiệt trong chính sách về an ninh”.
Ông Sarkozy là một trong những chính khách hiếm hoi của châu Âu đưa ra ý tưởng thành lập các trại tị nạn bên ngoài châu Âu thay vì đón dòng người tị nạn vào châu Âu như chủ trương của Tổng thống Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ngay từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng di cư, nhiều người dân Pháp cũng đã bày tỏ trên các mạng xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lợi dụng dòng người di cư thâm nhập châu Âu. Báo chí Pháp cũng đã từ lâu đưa ra nhận định rằng có tới khoảng vài phần trăm người tị nạn vào châu Âu là thành viên IS hoặc có liên quan đến IS. Theo kết quả các cuộc thăm dò được tiến hành thời gian qua, nhiều người dân Pháp cho rằng nước Pháp không còn khả năng đón tiếp thêm nhiều người nhập cư nữa do những khó khăn nội tại về kinh tế, đồng thời bày tỏ lo ngại những xung đột lâu dài vì các khác biệt văn hóa và tôn giáo.
Đó cũng là lý do khiến nhiều quốc gia EU thuộc khu vực Đông Âu như Cộng hòa Séc, Romania, Hungary, Ba Lan,… phản đối kế hoạch của EU về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Họ lo ngại những hệ lụy khôn lường đối với an ninh và sự ổn định của EU trong tương lai khi phải đương đầu với dòng người nhập cư khổng lồ khó có thể kiểm soát hiện nay.
Hiện EU vẫn đang loay hoay tìm giải pháp chung để đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư được coi là nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11 chắc chắn sẽ khiến EU phải xem xét lại chính sách nhập cư và cân nhắc các biện pháp tiếp nhận người tị nạn. Những nguy cơ khủng bố và an ninh đang khiến cuộc khủng hoảng người di cư ngày càng trở nên nặng gánh với EU.