Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên được đưa ra trước cuộc họp của các quan chức EU về quyết định dần loại bỏ nhập khẩu dầu của Nga. Theo đó, Văn phòng báo chí của Chính phủ Hungary cho biết: "Chưa thấy bất kỳ kế hoạch hay đảm bảo nào về cách thức chuyển giao năng lượng trên cơ sở các đề xuất hiện tại và điều gì sẽ đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia này”.
Theo hãng thông tấn AFP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất cho Hungary và Slovakia - hai quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu mỏ của Nga - thêm một thời gian để chuyển giao nhằm đảm bảo việc thực thi lệnh cấm vận bớt gây ảnh hưởng nặng nề hơn.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga là một phần của gói trừng phạt thứ 6 do EU đề xuất áp đặt lên Moskva. Theo đó, đại diện của tất cả 27 quốc gia thành viên của khối đã thảo luận về vấn đề này vào hôm 4/5 nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Để các biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực, gói trừng phạt này này phải được tất cả các quốc gia trong khối đồng lòng ủng hộ.
Trước đó, dù lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng giới chức Hungary cho biết nước này sẽ tiếp tục mua năng lượng với giá rẻ nhất để có thể để bù đắp phần nào chi phí cho người dân.
Trong khi nhiều lãnh đạo châu Âu công khai từ chối mua khí đốt Nga bằng đồng rúp, Hungary đã mở tài khoản bằng đồng euro tại ngân hàng Gazprombank của Nga để chuyển đổi tiền thanh toán khí đốt sang đồng rúp, trước khi chuyển cho nhà cung cấp ở Nga. Hệ thống này cho phép khách hàng châu Âu tuân thủ yêu cầu của Nga được đưa ra cuối tháng 3 vừa qua, theo đó các quốc gia không thân thiện sẽ phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng nội tệ của nước này.
Hungary cũng đã lên tiếng phản đối đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga. Hôm 3/5, ông Peter Szijjarto, Bộ trưởng Ngoại giao của nước này, nhấn mạnh “hiện tại về mặt thực tế, Hungary và cả nền kinh tế Hungary sẽ không thể vận hành mà không có dầu của Nga”. Theo Budapest, họ nhập khẩu tới 65% lượng dầu từ Nga.
Trong khi đó, Slovakia - quốc gia đang tích cực hỗ trợ Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, bao gồm cả việc giao vũ khí cho Kiev - cũng đã phản đối kế hoạch của Brussels. Bộ trưởng Kinh tế Richard Sulik cho biết công ty lọc dầu duy nhất của Slovakia, Slovnaft, không thể thay thế dầu của Nga bằng nguồn cung khác chỉ trong một đêm. Đồng thời, ông Sulik cho biết thêm rằng quá trình chuyển giao công nghệ sẽ mất đến vài năm. Giới chức đã xác nhận rằng Bratislava sẽ “xin miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga”.
Cả Hungary và Slovakia đều nhận được dầu của Nga thông qua đường dẫn khí đốt Druzhba từ thời Liên Xô.
Hôm 2/5, hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nguồn các quan chức EU giấu tên đưa tin Ủy ban châu Âu có ý định áp đặt lệnh cấm vào đầu năm sau bằng mọi cách. Nga xuất khẩu khoảng một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ sang châu Âu, đây là nguồn thu đáng kể của nước này.