14 năm chèo lái con thuyền cách mạng Vênêxuêla, lật ngược tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” trong một cuộc đảo chính năm 2002, kiên cường vượt qua căn bệnh ung thư, Tổng thống Hugo Chavez đã nối dài cuộc chinh phục đáng kinh ngạc của ông bằng chiến thắng ngoạn mục với tỷ lệ phiếu 54,42% so với 44,97% trước đối thủ Henrique Capriles trong cuộc bầu cử tổng thống Vênêxuêla hôm 7/10/2012.
Chúc mừng Chavez và nhân dân Vênêxuêla
Từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Mỹ, những lá thư, bức điện mừng tới tấp được gửi về Caracát. Ông Hugo Chavez, một cựu lính dù lên làm tổng thống từ năm 1999 và năm 2006 tái cử với đa số phiếu ủng hộ, nhưng cuộc bầu cử ngày 7/10 được coi là bài sát hạch khó khăn nhất trong hơn một thập kỷ cầm quyền vừa qua. Ông Chavez sẽ tiếp tục lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này trong nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp từ nay cho tới năm 2019. Bằng thứ vũ khí hiệu quả nhất - các thùng phiếu, ông Chavez đã biết cách chinh phục mọi người, từ đa số cử tri Vênêxuêla đến chính đối thủ Capriles trẻ trung, người đã phải ngả mũ chúc mừng Tổng thống Chavez ngay sau ngày 7/10.
Tổng thống Chavez giương cao quốc kỳ Vênêxuêla tại Dinh Miraflores sau khi đắc cử nhiệm kỳ 4. Ảnh: AFP TTXVN |
“Đó là minh chứng về sức mạnh của cuộc cách mạng Bolivar, cũng như sự ủng hộ không phải bàn cãi của nhân dân Vênêxuêla dành cho Tổng thống Chavez…” như lời trong bức điện mừng của Chủ tịch Cuba Raul Castro. Từ Buênốt Airết, Tổng thống Áchentina Fernández cũng bày tỏ vui mừng trước thành công của người đồng cấp Vênêxuêla, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Tổng thống Chavez để thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa tiến trình hội nhập ở khu vực Nam Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Êcuađo Rafael Correa và Tổng thống Bôlivia Evo Morales đều cho rằng kết quả cuộc bầu cử tại Vênêxuêla là một chiến thắng của Liên minh Bolivar (tên của vị anh hùng dân tộc Vênêxuêla) cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) và của nền dân chủ ở Mỹ Latinh. Chính phủ Côlômbia cũng gửi thông điệp chúc mừng Tổng thống Chavez và nhân dân Vênêxuêla. Tổng thống Urugoay Jose Mujica đánh giá đây là một dấu mốc quan trọng đối với sự đoàn kết ở Mỹ Latinh. Các chính phủ Braxin và Chilê cho rằng cuộc bầu cử tại Vênêxuêla thể hiện tính dân chủ trong đời sống xã hội ở Mỹ Latinh.
Với việc khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Vênêxuêla để tạo ra một “châu lục an toàn và thịnh vượng hơn”, điện mừng của chính phủ Canađa là lời thừa nhận không thể có ý nghĩa hơn về chiến thắng của Tổng thống Chavez.
Từ cuối tháng 9/2012, tờ El Nuevo Herald đã nhận định rằng kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Vênêxuêla vào ngày 7/10 có tác động đặc biệt ở khu vực Mỹ Latinh, cũng như đối với các nước đồng minh thân cận của Tổng thống Hugo Chavez như Iran, Xyri và Trung Quốc. Các nước Mỹ Latinh đặc biệt quan tâm tới kết quả bầu cử tại Vênêxuêla bởi tầm ảnh hưởng lớn lao của Tổng thống Chavez và cách mạng Vênêxuêla đối với khu vực và cũng bởi các mối liên minh về ý thức hệ gắn bó quốc gia Nam Mỹ này với nhiều nước trong khu vực.
Với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, Tổng thống Chavez đã tài trợ cho đủ loại dự án ở các nước thuộc khối ALBA và Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR), đồng thời cung cấp hàng triệu thùng dầu cho các nước vùng Caribê với giá ưu đãi. Mặt khác, các nước Mỹ Latinh chiếm khoảng 1/3 khối lượng nhập khẩu của Vênêxuêla, trong đó chủ yếu là từ Braxin và Côlômbia. Rất nhiều công ty trong khu vực đã đổ tiền đầu tư vào quốc gia dầu mỏ này. Do đó, Vênêxuêla được xem là một nhân tố quan trọng có thể tạo ra sự khác biệt trong chính trường đầy phức tạp ở khu vực.
Về đối nội, sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông Chavez sẽ tiếp tục tăng cao. Nhờ vào sản lượng dầu mỏ lớn nhất nhì thế giới, khoảng 3 triệu thùng/ngày, ông Chavez đã tiến hành chính sách an sinh xã hội, y tế, thuốc men, viện phí miễn phí cho dân nghèo, theo đúng tinh thần “xã hội chủ nghĩa”.
Nhưng ngoài những thuận lợi, nhiệm kỳ thứ tư của Tổng thống Chavez vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong xã hội Vênêxuêla, như tỷ lệ tội phạm cao, chính sách quốc hữu hóa đã làm cho các công nghệ khai thác dầu của nước này bị suy yếu, kém khả năng cạnh tranh. Trong các siêu thị quốc doanh, vẫn chưa đủ những nhu yếu phẩm như sữa và đường...
Nhìn thẳng vào sự thật
Với những bài hùng biện rực lửa và trái tim nhiệt huyết trên con đường xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” ở Vênêxuêla, vị tổng thống gốc quân nhân này chắc chắn không ngủ quên trên chiến thắng. Ngay sau ngày 7/10 lịch sử, ông Chavez đã kêu gọi sự đoàn kết của các tầng lớp xã hội nhằm đương đầu với những thách thức mới trên mặt trận chính trị.
Phát biểu trước đông đảo người dân Vênêxuêla ngay sau cuộc bầu cử, Tổng thống Chavez cam kết sẽ điều hành đất nước ngày càng tốt hơn, đồng thời nhấn mạnh sẽ hợp tác với phe đối lập để thu hẹp những bất đồng cũng như thúc đẩy đoàn kết dân tộc. Cũng trong ngày 8/10, Tổng thống Chavez đã có cuộc điện đàm với ứng cử viên đối lập Henrique Capriles, trong đó kêu gọi hai bên tôn trọng những khác biệt và cùng nhau hợp tác vì sự thống nhất quốc gia.
Người dân ủng hộ chia vui với Tổng thống Hugo Chavez sau chiến thắng ngày 7/10. Ảnh: THX-TTXVN |
Cánh tả lên cầm quyền ở Mỹ Latinh: Braxin (Tổng thống Lula da Silva thắng cử năm 2002 và bà Dilma Rousseff thắng cử năm 2010), Áchentina (Nestor Kirchner - 2003 và Cristina Fernandez - 2007), Urugoay (Tabare Vasquez - 2004/Jose Mujica - 2009), Cộng hòa Đôminicana (Leonel Fernandez - 2004), Bôlivia (Evo Morales - 2005), Chilê (Michelle Bachelet - 2005), Êcuađo (Rafael Correa - 2006), Paragoay (Fernando Lugo -2008), En Xanvađo (Mauricio Funes - 2009), Pêru (Ollanta Humala - 2011), Nicaragoa (Daniel Ortega - 2011). |
Các nhà quan sát cho rằng, một chiến thắng vang dội cho phép nhà lãnh đạo cánh tả kéo dài thời gian lãnh đạo đất nước lên 20 năm, và đây cũng là lúc người hùng Vênêxuêla cần nhìn thẳng vào sự thật. Về kinh tế, Tổng thống Chavez sẽ buộc phải đưa ra những biện pháp không thể trì hoãn bởi tình trạng lạm phát cao (mấy năm gần đây thuộc loại cao nhất Mỹ Latinh). Mặc dù tìm cách phát triển kinh tế theo hướng giảm lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, hiện Vênêxuêla vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng này. Quốc gia giàu dầu mỏ này vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu lương thực và một số mặt hàng thiết yếu. Chắc chắn quá trình phát triển kinh tế cũng như việc thực hiện những chương trình xã hội tại Vênêxuêla sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong trường hợp giá dầu trên thế giới giảm.
Còn trong lĩnh vực xã hội, tình trạng mất an ninh tiếp tục là vấn đề hóc búa đối với chính phủ. Theo số liệu của Liên hợp quốc, quốc gia Nam Mỹ này có tỷ lệ giết người và bắt cóc cao trên thế giới.
Một loạt cuộc bầu cử trong thời gian tới cũng là những thách thức đối với Tổng thống Chavez: cuộc bầu cử các thống đốc và nghị viện bang vào ngày 16/12/2012, cuộc bầu cử cấp huyện vào tháng 4/2013 và cuộc bầu cử quốc hội năm 2015. Bên cạnh đó là cuộc trưng cầu ý dân về sự tín nhiệm đối với tổng thống sau nửa đầu nhiệm kỳ.
Cũng không thể không nhắc tới thách thức liên quan tới sức khỏe của Tổng thống Chavez, là căn bệnh ung thư được ông thông báo năm 2011.
Chiến thắng vang dội tại hòm phiếu năm 2012 của Tổng thống Chavez là lời khẳng định hùng hồn về sự lựa chọn đúng đắn của các cử tri, về niềm tin vào một xã hội công bằng, thịnh vượng của người dân Vênêxuêla nói riêng và Mỹ Latinh nói chung sau một thập kỷ của xu thế cánh tả trở lại nắm quyền tại khu vực này.
Trần Long