Ngoài ra, công dân Thái Lan ở nước ngoài sẽ bỏ phiếu tại trụ sở đại sứ quán hoặc lãnh sự quán gần nhất ở đất nước mà họ cư trú từ ngày 4-16/3 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, cử tri Thái Lan bắt đầu đăng ký bầu cử từ ngày 28/1 vừa qua. 19/2 là ngày cuối cùng đăng ký bầu cử sớm. Ngoài ra, cử tri cũng có thể đăng ký trên mạng đến nửa đêm cùng ngày. Theo Tổng Thư ký Jarungvith, Ủy ban Bầu cử Thái Lan không thể kéo dài thêm thời hạn đăng ký vì cơ quan này cần thời gian để tính toán chính xác con số nhằm xác định số lượng địa điểm bầu cử cần thiết cho cuộc bầu cử sớm. Năm nay nhiều cử tri đã đi đăng ký bầu cử sớm hơn so với những cuộc bầu cử trước đó.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan thông báo nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24/3 tới nhằm khôi phục chính quyền dân sự. Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Tham gia cuộc tổng tuyển cử còn có đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra và đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Cử tri Thái Lan sẽ bầu tổng cộng 500 ghế nghị sĩ, trong đó 350 nghị sĩ ứng cử theo danh sách cá nhân và 150 nghị sĩ theo danh sách đảng. Trong tháng 2, tổng cộng 11.181 người đã nộp đơn ứng cử vào Quốc hội Thái Lan với tư cách cá nhân, trong đó 10.792 người được kiểm tra và 389 người còn lại bị loại do không đủ tư cách. Trong khi đó, tổng cộng có 68 ứng cử viên đã được kiểm tra tư cách để ứng cử vào chức Thủ tướng, trong đó có đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, người được đảng Palang Pracharath đề cử, và cựu Thủ tướng, lãnh đạo đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva.