Hồi năm ngoái, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan đã đề xuất ngân sách dành cho quốc phòng năm 2019 là 7 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD kể từ cuộc đảo chính gần đây nhất vào năm 2014. Tuy nhiên, đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) ủng hộ cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra đã cam kết sẽ chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và giảm 10% ngân sách quốc phòng nếu đảng này trở lại cầm quyền sau cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/3 tới.
Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng việc tăng chi phí quốc phòng là cần thiết nhằm nâng cấp thiết bị quân sự đã lỗi thời. Về thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, Thủ tướng Chan-O-cha cho rằng đây là trách nhiệm của toàn bộ nam công dân. Mỗi năm, 100.000 nam công dân Thái Lan đi thực hiện nghĩa vụ quân sự và phải thực hiện nghĩa vụ này ít nhất một lần từ độ tuổi 21. Chỉ có sinh viên mới được miễn.
Theo kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra tại Thái Lan vào ngày 24/3 tới. Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Tham gia cuộc tổng tuyển cử còn có đảng Pheu Thai và đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hiện là ứng cử viên sáng giá cho vị trí đứng đầu chính phủ thành lập sau bầu cử.