Hội nghị do Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP) tổ chức với chủ đề "Toàn cầu hóa và mối quan hệ kinh tế, công nghệ và an ninh". Tại hội nghị kéo dài 3 ngày này đã diễn ra 9 phiên họp, thảo luận về những diễn biến gần đây như cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung; tái cơ cấu chuỗi cung ứng; sự hội tụ của kinh doanh, công nghệ và an ninh trong bối cảnh trật tự kinh tế toàn cầu đang thay đổi.
Tại hội nghị, các chuyên gia về chính trị, ngoại giao, an ninh và kinh tế đã cùng phân tích, tranh luận và trao đổi những hiểu biết sâu sắc của mình về các chính sách hợp tác và cạnh tranh toàn cầu trong kỷ nguyên an ninh kinh tế. Các chuyên gia nhấn mạnh tới mối liên hệ ngày càng tăng giữa kinh tế, công nghệ và an ninh; đánh giá các tác động của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và căng thẳng địa chính trị kéo dài do xung đột Nga - Ukraine gây ra. Các chuyên gia cũng đã đưa ra những hàm ý chính sách cho việc thiết lập một trật tự quốc tế mới; đồng thời nhất trí cho rằng cạnh tranh giữa các siêu cường “hại nhiều hơn lợi”. Nhấn mạnh vai trò của các nguyên tắc mở cửa, liên kết, hợp tác và minh bạch, các chuyên gia nói rõ liên kết và hội nhập khu vực đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề cập đến vai trò chủ động của các nước phát triển tầm trung và vai trò của các nước đang phát triển ở Nam bán cầu, trong đó có các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo Giáo sư Mari Pangestu, Chủ tịch PAFTAD, hội nghị PAFTAD ngày càng có vai trò quan trọng trong bối cảnh có nhiều thay đổi và cạnh tranh ở khu vực và trên thế giới. Đây là diễn đàn chuyên sâu để các học giả thảo luận và phân tích học thuật về trật tự kinh tế toàn cầu cũng như trong việc mở rộng hợp tác kinh tế, công nghệ và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Siwook Lee, Chủ tịch KIEP, cũng cho rằng việc các học giả chia sẻ kiến thức và hiểu biết sâu sắc về những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang phải đối mặt sẽ mang lại những ý tưởng tốt cho tăng cường hợp tác khu vực và an ninh kinh tế toàn cầu.