Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa 5G vào đầu năm 2024

Theo lộ trình, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) sẽ đấu giá tần số 5G vào tháng 11/2023 và cấp phép 5G vào cuối năm 2023.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết, để triển khai thương mại hóa 5G, Bộ TTTT sẽ phải tiến hành đấu giá tần số theo quy định. “Để có thể đấu giá được tần số sớm, Bộ TTTT gỡ vướng về luật. Từ năm 2019 đến nay, chúng ta không làm được mà phải đợi Luật Tần số sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2023. Sau đó, Bộ TTTT đã xây dựng Nghị định 63 để tổ chức, tính toán mức đấu giá tần số. Theo lộ trình, sẽ đấu giá tần số vào tháng 11/2023”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.

Chú thích ảnh
Mạng Vinaphone chính thức phát thử nghiệm thương mại 5G tại khu vực Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: TL

Việc đấu giá phải tuân thủ quy trình của Nhà nước. Dự kiến, sau khi đấu giá vào tháng 11/2023, Bộ TTTT sẽ cấp phép tần số 5G trong năm 2023 để có thể khai trương 5G vào năm 2024. Bên cạnh việc triển khai cấp phép băng tần 5G, Việt Nam cũng sản xuất thiết bị viễn thông 5G.

Mới đây, Bộ TTTT đã ký quyết định về việc tổ chức xác định mức thu với các băng tần để kích hoạt quá trình đấu giá cấp quyền sử dụng tần số cho 4G và 5G. Theo đó, các băng tần 700 MHz (703-733 MHz và 758-788 MHz), 2600 MHz (2500-2600 MHz), 3700 MHz (3560-4000 MHz) sẽ được đem đấu giá. Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TTTT) cho rằng, đây là bước đầu tiên kích hoạt quá trình triển khai đấu giá để cấp quyền sử dụng tần số các băng tần này cho 4G và 5G tại Việt Nam.

Để triển khai 5G, các nhà mạng rất cần nguồn lực để tái đầu tư cho mạng lưới. Trong khi đó, một thực tế là nguồn lực của các nhà mạng hiện nay trên thế giới và Việt Nam ngày càng hạn chế do các dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, nhắn tin (SMS) đều đang bị thu hẹp mạnh do sự phát triển của các dịch vụ OTT, dịch vụ số mới.

Đồng thời, giá cước dịch vụ viễn thông di động của Việt Nam luôn giảm và thuộc nhóm rẻ nhất so với thế giới. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết: “Giá cước di động của Việt Nam luôn luôn giảm và giảm đến mức không giảm được nữa. Cước dữ liệu di động (data) của Việt Nam là rẻ nhất. Trung bình cước dữ liệu của thế giới là 0,36 USD, Việt Nam là 0,16 USD 1 Gigabyte (GB) dữ liệu. Mức cước này quá thấp để các nhà mạng có nguồn lực tái đầu tư mạng lưới và đến một lúc nào đó mạng không được tái đầu tư thì sẽ phải trả giá về chất lượng. Trong bối cảnh các nhà mạng đều đang cần đầu tư cho 5G mà không có nguồn lực sẽ rất khó khăn".

 

XM/báo Tin tức
Du lịch kinh tế đêm Hà Nội vẫn mang tính tự phát
Du lịch kinh tế đêm Hà Nội vẫn mang tính tự phát

Du lịch dịch vụ đêm đã có tại Hà Nội hơn 20 năm nay với sự hình thành phố đi bộ cuối tuần Hàng Ngang - Hàng Đào (Hoàn Kiếm). Nay phố đi bộ phố cổ đã mở rộng nhưng vẫn manh mún, tự phát. Do đó, muốn phát triển du lịch kinh tế đêm Hà Nội, cơ quan quản lý cần chính sách, quy hoạch phù hợp để doanh nghiệp có căn cứ pháp lý khai thác và thu hút du khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN