Các nhà lãnh đạo của khoảng 30 nước Arab và phương Tây tham dự hội nghị do Ai Cập tổ chức - được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Cairo, trong đó có Tổng thống Palestine, Quốc vương Jordan, Quốc vương Qatar, Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thủ tướng các nước Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Canada.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng tham dự hội nghị. Ngoài ra, có Ngoại trưởng một số nước tham dự.
Đại diện Mỹ tham dự hội nghị là Đại biện lâm thời đại sứ quán tại Ai Cập. Hiện Mỹ không có Đại sứ tại Ai Cập.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh "Ai Cập lên án các hành động khủng bố nhằm vào dân thường" và cho biết hội nghị sẽ thảo luận một lộ trình chấm dứt thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza cũng như khôi phục hòa bình giữa Israel và người Palestine. Lộ trình này sẽ bao gồm phân phát hàng viện trợ cho người dân ở Gaza và đạt một thỏa thuận ngừng bắn, sau đó đàm phán hướng tới đạt một giải pháp hai nhà nước.
Tại hội nghị, Tổng thư ký LHQ Guterres kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo” tại Gaza và “hành động toàn cầu nhằm chấm dứt cơn ác mộng tồi tệ này”.
Về phần mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định người Palestine "sẽ không rời khỏi mảnh đất của mình".
Trong khi đó, các lãnh đạo Arab kêu gọi nối lại các nỗ lực nhằm đạt một giải pháp hòa bình cho Trung Đông, kết thúc tình trạng bạo lực kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Israel và người Palestine. Quốc vương Jordan Abdullah II nhấn mạnh thông điệp gửi tới Israel là "chúng tôi muốn một tương lai hòa bình và an ninh cho cả các bạn và người Palestine”.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Italy, bà Giorgia Meloni cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có biện pháp ngăn chặn leo thang xung đột Hamas-Israel và đề ra một lộ trình hướng tới giải pháp hai nhà nước. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng kêu gọi nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.
Ông nhấn mạnh: “Can thiệp quân sự không thể thay thế một giải pháp chính trị bền vững”. Ngoại trưởng Anh James Cleverly nêu rõ "cần nỗ lực giảm thiểu những gì người Palestine tại Gaza đang phải chịu đựng", đồng thời kêu gọi quân đội Israel kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn chặn nguy cơ tình hình tại Gaza lan rộng thành một cuộc xung đột toàn khu vực.
Ngoại trưởng Pháp, bà Catherine Colonna nhấn mạnh sự cần thiết phải lập hành lang nhân đạo để cung cấp hàng viện trợ cho người dân ở Gaza, theo đó thảo luận một lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Colonna cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới thông báo bổ sung 10 triệu euro (10,59 tiệu USD) viện trợ nhân đạo cho người Palestine, ngoài 10 triệu euro bà đã thông báo ngày 15/10 trong chuyến thăm Cairo.
Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Cairo diễn ra trong bối cảnh Israel chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Gaza.
Ngay trước khi hội nghị khai mạc, những chiếc xe tải đầu tiên chở hàng cứu trợ đã đi qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập vào Gaza. Quân đội Israel cho biết hàng cứu trợ nhân đạo sẽ chỉ được chuyển tới khu vực phía Nam Dải Gaza, nơi Israel đã yêu cầu người dân Palestine sơ tán đến với lý do để đảm bảo an toàn trong cuộc xung đột.