Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), ngày 2/11, nước chủ nhà và Ấn Độ đã công bố "Sáng kiến Lưới điện xanh" nhằm cải thiện kết nối các lưới điện của thế giới, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn. Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ của hơn 80 nước tham dự hội nghị.
Việc kết nối các lưới điện sẽ cho phép chuyển năng lượng tái tạo từ các khu vực dư thừa sang các khu vực bị thiếu hụt. Sáng kiến đưa ra mô hình cách thức các nước giàu hỗ trợ những nước nghèo hơn giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần hiện thực hóa mục tiêu khống chế sự ấm lên của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh việc kết nối các lưới điện xuyên quốc gia sẽ là giải pháp quan trọng đối với nỗ lực của thế giới hướng tới tương lai xanh và sạch.
Cùng chung quan điểm trên, giới chuyên gia cho rằng cần có thêm các hệ thống truyền tải các nguồn năng lượng tái tạo vì những cơ sở năng lượng này thường được xây dựng ở những nơi xa thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ đòi hỏi một khoản ngân sách lớn.
Thông báo chính thức về "Sáng kiến Lưới điện xanh" không nêu cụ thể chi phí hoặc vốn đầu tư.
“Sáng kiến Lưới điện xanh” là một phần của kế hoạch "Những đột phá Glasgow" mà nước chủ nhà Anh đề ra nhằm đẩy mạnh việc triển khai công nghệ carbon thấp với chi phí hợp lý, hướng tới bao phủ hơn 70% nền kinh tế toàn cầu. Tại COP26, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố 5 mục tiêu đầu tiên của kế hoạch, gồm thúc đẩy năng lượng sạch, ô tô không phát thải, sản xuất thép phát thải gần bằng 0, hydro carbon thấp và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.