Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững, là một phần trong thực hiện mục tiêu cộng đồng vững mạnh, tự cường. Thủ tướng Thái Lan cho biết ASEAN đã xây dựng Lộ trình tương hỗ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững nhằm đạt thành tựu xoá đói giảm nghèo, phát triển năng lượng sạch, thu hẹp khoảng cách.
Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu. Để đạt được các cam kết, ASEAN mong muốn các đối tác hỗ trợ triển khai lộ trình này. Thủ tướng Thái Lan cũng giới thiệu về các chương trình, dự án cụ thể và đưa Trung tâm Nghiên cứu và đối thoại về phát triển bền vững mới thành lập trong năm nay đi vào hoạt động.
Các nước hoan nghênh đóng góp ngày càng tăng của ASEAN đối với các mục tiêu toàn cầu, nhấn mạnh công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng. Các nước cam kết sẽ phối hợp với ASEAN trong khoa học - công nghệ, kết nối, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, thành phố thông minh …
Việt Nam khẳng định cam kết thúc đẩy mục tiêu “hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm”, đầu tư vào con người vì thế hệ tương lai. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, các đối tác có thể hỗ trợ và có thể xem xét xây dựng Khung Chương trình đào tạo 4.0 và Trung tâm An toàn thông tin ASEAN.
Đề cập tới thu hẹp khoảng cách phát triển, Việt Nam kêu gọi các nước thúc đẩy, hỗ trợ triển khai Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III, phát triển khu vực Mekong, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao tính bền vững trong khu vực.
Là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), Việt Nam sẽ làm hết sức mình để tiếp tục thúc đẩy chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trong năm 2020, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Mekong, phối hợp với các nước thúc đẩy triển khai các kết quả Hội nghị về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc năm 2020, góp phần đưa các Mục tiêu Phát triển bền vững đi vào cuộc sống.