Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, các ưu tiên này được nêu bật trong thông cáo báo chí của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 26. Trên cơ sở các ưu tiên này, với tư cách nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, Campuchia sẽ quan tâm chặt chẽ tới việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy thương mại và xúc tiến đầu tư; hỗ trợ hội nhập tài chính ASEAN một cách sâu rộng với các đối tác; thúc đẩy triển khai các hệ thống thanh toán xuyên biên giới trong khu vực; tăng cường hỗ trợ tài chính bền vững để huy động thêm nguồn lực cho hồi phục kinh tế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay sẽ ở mức 4,4%, trong khi Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN (AMRO) dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN vào khoảng 5,1%. Dựa trên các dự báo này, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng ASEAN sẽ nghiên cứu những rủi ro tiềm ẩn đối với khu vực. Những khó khăn nội tại bao gồm nguy cơ dịch COVID-19 tiếp tục lây lan; sự gián đoạn các chuỗi cung ứng; căng thẳng ở Đông Âu; tỷ lệ lạm phát tăng và tình trạng biến đổi khi hậu. Những thách thức này đòi hỏi các thành viên phải tăng cường kết nối thương mại và đầu tư khu vực, coi thúc đẩy quá trình số hóa là những cơ hội và khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực phát triển Xanh.
Khu vực tư nhân, trong đó có Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN, Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN và Hội đồng doanh nghiệp Liên minh châu Âu, cùng các thể chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), AMRO cũng tham dự các cuộc thảo luận trong khuôn khổ hội nghị.