Phát biểu sau tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ, Kelly Craft khẳng định Washington sẵn sàng có những bước đi cụ thể hướng tới một thỏa thuận để Bình Nhưỡng từ bỏ các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, nhưng cũng yêu cầu HĐBA phải sẵn sàng các phản ứng phù hợp trước mọi hành vi khiêu khích.
Bà cũng đề cập khả năng Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa để phóng các thiết bị vũ trụ hoặc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Quan chức ngoại giao Washington nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có một thỏa thuận cân bằng có thể giải quyết được quan ngại của các bên liên quan. Đại sứ Craft tuyên bố Triều Tiên cần đưa ra "quyết định khó khăn nhưng táo bạo" để phối hợp với Mỹ.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Trương Quân đã kêu gọi tất cả các bên tránh những lời nói hoặc hành động kích động căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Theo quan chức ngoại giao này, tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên là "phức tạp, nhạy cảm và dễ đổ vỡ". Ông cho rằng việc HĐBA nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên là vấn đề cấp thiết để hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington và ngăn chặn nguy cơ đảo ngược của tiến trình này.
Về lập trường của Trung Quốc, Đại sứ Trương Quân khẳng định Bắc Kinh luôn thực hiện cách hành xử có trách nhiệm và mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và thu hẹp bất đồng… Trung Quốc luôn thực thi nghiêm túc các nghị quyết trừng phạt của HĐBA.
Đại sứ Nga tại LHQ, Vassily Nebenzia khẳng định các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là không thể chấp nhận, song theo ông, đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều không thể đạt được tiến bộ khi không có sự đánh đổi lợi ích phù hợp giữa các bên. Do đó, nhà ngoại giao Nga cho rằng cần đưa ra một lộ trình để từng bước dỡ bỏ các hạn chế đối với Triều Tiên.
Về phần mình, Đại sứ Pháp và Anh tại LHQ cũng kêu gọi Triều Tiên nắm bắt cơ hội thúc đẩy giải pháp ngoại giao mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra. Theo Đại sứ Anh Karen Pierce, hiện chưa phải là quá muộn và Triều Tiên có thể ngăn chặn tình hình trở nên xấu đi.
Hàn Quốc và Nhật Bản cũng hối thúc nước láng giềng Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên rơi vào bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Hai bên đã tiến hành cuộc gặp cấp chuyên viên tại Thụy Điển hồi tháng 10, song không đạt kết quả.
Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất mới đồng thời đề nghị Mỹ tới cuối năm 2019 phải đưa ra đề xuất mới nếu không quốc gia này sẽ từ bỏ đối thoại và lựa chọn con đường khác. Trong bối cảnh quỹ thời gian đang ngày càng thu hẹp, có nhiều ý kiến quan ngại cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa sau thời hạn nói trên, đưa tiến trình đàm phán trở về vạch xuất phát.