Umberto Tomassini, nhân viên thuế người Italia, đang trong kỳ nghỉ dài giữa tháng 8. Trước đó, anh dự định sẽ đi nghỉ cùng gia đình ở San Benedetto del Tronto, một khu nghỉ mát ven biển nổi tiếng ở miền trung Italia.
Và giờ, Tomassini đang đứng trên bãi biển tuyệt đẹp San Benedetto del Tronto, nhưng gia đình anh đến đây không phải để nghỉ trong một khách sạn đầy đủ tiện nghi mà là để tham gia hội chợ bánh kếp (bánh ngọt mỏng làm bằng bột nhào trứng sữa, nướng cả hai mặt và ăn nóng) Zodiaco ở địa phương. “Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, chúng tôi phải tính toán cẩn thận về mọi chi phí. Tham dự các hội chợ thực phẩm là giải pháp hữu hiệu nhất để ăn được nhiều hơn và chi tiêu ít hơn” - Tomassini tâm sự.
Các hội chợ thực phẩm ở Italia, được biết đến dưới tên gọi “sagre”, là dịp trưng bày những loại thực phẩm đặc sản của địa phương, kể cả đồ ăn đã được nấu chín cũng như đồ ăn tươi sống. Tại những hội chợ thực phẩm quy mô lớn, diễn ra tại trung tâm của các thị trấn vừa và nhỏ, ban tổ chức có thể mời ban nhạc đến biểu diễn và tổ chức các cuộc thi nấu ăn, thi ăn nhiều và ăn nhanh...
Một “sagre” đông người tham dự ở Italia. Ảnh: Internet |
Theo kết quả khảo sát của Coldiretti (hiệp hội nông trại lớn nhất Italia), khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều hộ gia đình ở nước này phải cắt giảm ngân sách và chỉ có 7% người Italia ăn trong nhà hàng hoặc khách sạn vào kỳ nghỉ giữa tháng 8. Tuy nhiên, “sagre” đã trở thành điểm hút du khách nghỉ hè với tổng doanh thu ước tính đạt 350 triệu euro (430 triệu USD) trong năm 2012. Vào giai đoạn cao điểm, đã có tới 1.000 hội chợ thực phẩm được tổ chức hàng ngày tại Italia, Coldiretti cho biết.
Một ví dụ điển hình là hội chợ bánh kếp Zodiaco nói trên. Hội chợ đã thu hút sự tham gia của hàng trăm người Italia cùng các du khách nước ngoài và theo Mimmo Vagnoni (một quan chức vùng Zodiaco), “sagre” mang đến một sự trải nghiệm thú vị cho khách du lịch. “Những người đến với hội chợ bánh kếp có hai tuần vui chơi bên bờ biển. Tôi ủng hộ mạnh mẽ mô hình hội chợ thực phẩm”, ông Vagnoni nói. Coldiretti cho hay, vùng Marche ở San Benedetto del Tronto cũng như nhiều khu du lịch nổi tiếng trên toàn Italia đã đăng ký tổ chức một số lượng cao kỷ lục các hội chợ thực phẩm vào giữa tháng 8.
Trong khi hàng triệu người Italia yêu thích và kiếm lời từ “sagre” thì giới kinh doanh nhà hàng, khách sạn từ miền bắc cho tới miền nam Italia lại “phát động chiến dịch” chống lại “sagre”. Một số chủ nhà hàng, khách sạn phàn nàn rằng trong khi họ đang “chết đói” thì các hội chợ thực phẩm lại luôn “no nê” khách hàng.
Ông Marcello Schillaci, chủ một nhà hàng danh tiếng ở thành phố Teramo, khẳng định “sagre” là “sự cạnh tranh không công bằng”. Theo lý thuyết, “sagre” phải chịu một khoản thuế đặc biệt và được xem là một dịp để giới thiệu các sản vật địa phương - ông Schillaci nói - nhưng trên thực tế, “sagre” đã trở thành “công cụ kiếm được rất nhiều tiền” cho ban tổ chức hội chợ bởi đây là nơi bán đủ mọi loại thực phẩm (thường là có chất lượng thấp) với giá “rẻ như bèo”.
Ông Schillaci nêu một ví dụ: “Một hội chợ thực phẩm gần đây đã thu được 300.000 euro (368.604 USD) chỉ trong một ngày và không phải nộp một xu tiền thuế, trong khi những doanh nghiệp như chúng tôi lại bị kiểm soát nghiêm ngặt, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Ngành công nghiệp khách sạn của Italia có thể sống sót ra sao nếu sự cạnh tranh bất bình đẳng này vẫn được cho phép?”.
Đối với Fiorenzo Zanon, chủ một khách sạn gần Venice, “sagre” còn tác động tiêu cực đến vấn đề việc làm tại Italia - đất nước có gần 3 triệu người thất nghiệp - bởi “nếu các gia đình tới hội chợ thực phẩm, các khách sạn sẽ chẳng cần nhiều nhân viên”.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy ngành công nghiệp nhà hàng và khách sạn, một trong những khu vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất ở Italia, đang phải gánh chịu những tác động rõ rệt nhất của khủng hoảng kinh tế. Tập đoàn khách sạn quốc gia Federalberghi cho biết tổng doanh thu của họ đã giảm mạnh 22% trong mùa hè này, bởi cứ 10 người Italia lại có tới 6 người không đi nghỉ dưỡng, chủ yếu là vì các lý do kinh tế.
Có thể nói, kỷ nguyên vàng của “villeggiatura” - các kỳ nghỉ dài ngày ở một địa điểm xa nhà - đã không còn tồn tại ở Italia, khi hàng triệu người lựa chọn hoặc là các kỳ nghỉ ngắn ngày ở gần nhà hoặc là không đi nghỉ. Vào kỳ nghỉ mùa hè này, các thành phố của Italia vẫn rất đông người qua lại và khoảng 300 viện bảo tàng phải liên tục mở cửa, nhiều chỗ còn cho phép vào cửa miễn phí, để đón tiếp người dân vào tham quan. “Chúng tôi chưa bao giờ trải qua một giai đoạn khó khăn như thế này”, Chủ tịch Federalberghi, ông Bernabo Bocca, than thở.
Hồng Hạnh (Theo THX)