Hoãn tấn công đảo Guam, Triều Tiên 'hé cánh cửa' đàm phán với Mỹ ?

Các chuyên gia vào nhận định rằng quyết định ngày 15/8 hoãn tấn công tên lửa vào đảo Guam của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un là dấu hiệu của “thời điểm quan trọng” kéo dài trong vài ngày để Mỹ đàm phán với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những ý kiến khác lại tỏ ra khá thận trọng.

Mỹ bày tỏ thiện chí

Ngày 15/8, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoãn kế hoạch bắn tên lửa tới gần đảo Guam, song cảnh báo sẽ có động thái nếu Mỹ tiếp tục “hành động liều lĩnh”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong một chuyến thị sát. Ảnh: Reuter.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Tổng thống Mỹ ngày 16/8 đăng trên trang mạng xã hội Twitter: “Ông Kim Jong-un của Triều Tiên đã có quyết định vô cùng hợp lý và khôn ngoan. Lựa chọn khác có thể mang kết thúc thê thảm và không thể chấp nhận được!”.

Trong bài đăng trên tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 14/8 do chính Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis viết, cả hai nhân vật này đều khẳng định Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng. Hai ông Tillerson và Mattis còn nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên chứ không phải thay đổi chính quyền của Bình Nhưỡng.

Theo tờ Washington Post (Mỹ), sau nhiều năm nước Mỹ áp dụng “chiến thuật kiên nhẫn” dưới thời Tổng thống thứ 44 Barack Obama thì Washington hiện nay có thể diễn ra thay đổi dưới thời ông Trump. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump từng bày tỏ sẵn sàng gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Phản ứng trái chiều

Tờ Guardian (Anh) dẫn lo ngại của nhiều nhà quan sát tình hình Triều Tiên rằng Mỹ có thể hiểu nhầm thông điệp mà ông Kim Jong-un đưa ra về “theo dõi thêm” động thái của Mỹ trong khu vực trước khi có quyết định liệu có phóng tên lửa vào đảo Guam, lãnh thổ Mỹ trên Thái Bình Dương, hay không.

Theo truyền thông Mỹ, phát biểu này là dấu hiệu Triều Tiên rút lại kế hoạch tấn công đảo Guam sau những lời cảnh cáo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng nước này James Mattis.

Sau tuyên bố ngày 8/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về “lửa cháy và thịnh nộ” với Triều Tiên, Bình Nhưỡng lập tức đáp trả, tuyên bố đang cân nhắc bắn tên lửa vào đảo Guam. Tổng thống Trump tiếp đó vào ngày 11/8 nói vũ khí Mỹ đã “khóa mục tiêu và lên đạn”. Đến ngày 14/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo về viễn cảnh Triều Tiên tấn công lãnh thổ Mỹ: “Trong thế giới này, bạn không bắn vào người khác trừ khi muốn nhận hậu quả”.

Nhưng chuyên gia về chiến thuật hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), ông Vipin Narang lại phân tích rằng việc đánh giá Triều Tiên rút lại kế hoạch tấn công đảo Guam có thể là cách hiểu sai.

Ông Narang cho biết câu nói của nhà lãnh đạo Triều Tiên thực chất nhằm để lại khoảng trống cho điều kiện và đàm phán. “Nhưng mối đe dọa vẫn tồn tại. Điều đó không có nghĩa là ông ấy đã rút lại ý định”.

Binh sĩ Triều Tiên trong một sự kiện tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một thông báo khác từ KCNA ngày 14/8 lại khiến các nhà phân tích có ý kiến khác nhau. Theo đó, Triều Tiên cảnh báo Mỹ về cuộc tập trận chung sắp tới của nước này với Hàn Quốc dự kiến tổ chức ngày 21/8. “Mỹ cần suy nghĩ kỹ về hậu quả”, KCNA nhấn mạnh trước khi đề cập đến kế hoạch liên quan tới đảo Guam.

Từ đây, ông Adam Mount, chuyên gia về chương trình vũ khí Triều Tiên tại Trung tâm Vì sự tiến bộ Mỹ, cho rằng Bình Nhưỡng đã gợi ý về cơ hội cho đàm phán.

Ông Mount phân tích: “Phát biểu không hề nhắc đến việc Mỹ phải hủy tập trận chung. Trước đây, Triều Tiên luôn nhấn mạnh điều này. Triều Tiên liên tục ra yêu sách về việc Mỹ bỏ tập trận chung với Hàn Quốc nhưng nay họ chưa đề cập đến điều đó”. Do vậy chuyên gia này cho rằng đó là dấu hiệu của Triều Tiên sẵn sàng với đối thoại.

Tuy nhiên, đến cuối cùng điểm mấu chốt được cho nằm trên vai nhà lãnh đạo 33 tuổi Kim Jong-un. Tuy chưa thể hiện sự nhún nhường trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng ông Kim Jong-un cũng không hề mong muốn về viễn cảnh lệnh trừng phạt mới có thể gây khó khăn cho kinh tế đất nước này.

Ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu: “Chúng tôi vẫn quan tâm đến việc tìm ra đường dẫn tới đối thoại, nhưng điều đó phụ thuộc vào ông ấy (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un)”.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Tổng thống Mỹ muốn có giải pháp quân sự với Triều Tiên nếu ngoại giao thất bại
Tổng thống Mỹ muốn có giải pháp quân sự với Triều Tiên nếu ngoại giao thất bại

Ngày 16/8, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford cho biết Tổng thống Donald Trump muốn lập kế hoạch về một phương án quân sự nếu những biện pháp ngoại giao liên quan đến tình hình Triều Tiên thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN