Hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đạt tiến triển

Ngày 23/11, kênh truyền hình địa phương Tolo News đưa tin cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban, ở thủ đô Doha của Qatar đã đạt tiến triển, khi các nhà thương lượng của hai bên nhất trí về chương trình nghị sự chủ chốt.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng hòa giải quốc gia tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah (giữa, phía trước) phát biểu tại phiên khai mạc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban ở Doha, Qatar ngày 12/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh hội nghị tài trợ quốc tế về Afghanistan, dự kiến được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) sau đó cùng ngày.

Theo Tolo News, hai bên đã nhất trí coi việc Liên hợp quốc xác nhận tiến trình hòa bình Afghanistan, cam kết của các nhóm thương lượng, nguyện vọng của Afghanistan cũng như thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban là nền tảng để giải quyết các vấn đề thủ tục chính và cơ sở đàm phán.

Đầu tháng 9 vừa qua, các đại diện của Chính phủ Afghanistan và các đại diện Taliban ở Doha đã bắt đầu cuộc đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài ở Afghanistan. Tuy nhiên, do bất đồng về thủ tục, nguyên tắc nên các cuộc đàm phán này chưa đạt tiến triển.   

Cùng ngày, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi đã hối thúc cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hỗ trợ Afghanistan, nếu không nước này sẽ phải đối mặt với "những hậu quả thảm khốc". Lời kêu gọi được đưa ra sau khi ông Grandi có chuyến thăm tới quốc gia Tây Nam Á này - nơi đang phải vật lộn trước bạo lực ngày một gia tăng, sự rút quân của Mỹ và những cuộc đàm phán hòa bình trì trệ.

Ông cho rằng tương lai của hàng triệu người Afghanistan sẽ phụ thuộc vào kết quả của những cuộc đàm phán hòa bình và cam kết của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của nước này, bao gồm cả kết quả của hội nghị các nhà tài trợ kéo dài trong 2 ngày ở Geneva lần này. Nếu 1 trong 2 động thái trên không đạt kết quả, Afghanistan có thể chứng kiến những hậu quả thảm khốc, trong đó có nguy cơ di cư diễn ra trên diện rộng.

Theo ông Grandi, gần 300.000 người Afghanistan đã phải rời bỏ nhà cửa ngay trong chính đất nước mình vì xung đột năm 2020 vẫn cần "hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp". Đó là chưa kể gần 3 triệu người phải di tản trước đây và 9 triệu người mất kế sinh nhai do cuộc khủng hoảng viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước tình hình trên, người đứng đầu UNHCR đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc kết thúc các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban. Việc các cuộc đàm phán này rơi bị đình trệ, và chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố rút bớt quân ở  Afghanistan đang khiến cho an ninh của nước này suy yếu nhiều hơn.

An Nguyễn (TTXVN)
Afghanistan và Taliban nhất trí các nguyên tắc tiến hành hòa đàm
Afghanistan và Taliban nhất trí các nguyên tắc tiến hành hòa đàm

Các đại diện của Chính phủ Afghanistan và Taliban đã nhất trí về các nguyên tắc ứng xử nhằm đảm bảo các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 2 thập kỷ qua tại quốc gia Tây Nam Á này không có nguy cơ đổ vỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN