Hình tượng mèo trong các nền văn hoá trên thế giới

Kể từ khi người Ai Cập khám phá ra những đặc tính kỳ diệu của mèo, loài động vật này đã trở thành một phần không thể thiếu và mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc trong đời sống của nhiều nền hoá trên thế giới. Một số nơi coi mèo như “tay săn” cừ khôi, là người bạn đồng hành, tôn sùng chúng, thậm chí coi mèo như một vị thần.

Chú thích ảnh
Mèo may mắn Maneki Neko của Nhật Bản. Ảnh: TimeOut

Vị thần ở thời Ai Cập cổ đại

Trong thời Ai Cập cổ đại, mèo có tên gọi là “Mau” và là động vật thiêng liêng nhất, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.

Tương truyền rằng người Ai Cập cổ đại là những người đầu tiên nuôi mèo làm thú cưng - từ năm 3000 trước Công nguyên. Trong thời kỳ này, mèo được coi là “thợ” săn chuột và rắn siêu hạng, thường xuất hiện quanh những nơi con người sinh sống. Do đó, người dân đã để thức ăn xung quanh nhà dụ mèo thường xuyên lui tới. Theo thời gian, mèo hoang bắt đầu được thuần chủng và trở thành mèo nhà.

Yêu bản chất ngọt ngào và ngưỡng mộ khả năng bắt chuột tinh ranh của mèo, người dân đã tôn sùng loài vật này như một vị thần. Mèo còn là hiện thân của nữ thần Bast – vị thần mang hình đầu mèo thân người, đại diện cho sắc đẹp và khả năng sinh sản.

Chính vì mang ý nghĩa biểu tượng cao quí đó, trong nền văn minh Ai Cập cổ đại, người dân không được phép nuôi mèo. Chỉ có các Pharaoh – được coi là hiện thân của thần linh trên Trái Đất – mới có thể nuôi mèo làm thú cưng. Những người cai trị Ai Cập cổ đại còn chế tạo đồ trang sức bằng vàng cho chúng. Do đó, đồ trang sức hình mèo rất phổ biến ở thời kỳ này.

Mèo còn được tôn sùng tới mức làm hại hay giết mèo sẽ bị qui vào tội làm hại hoặc giết một vị thần. Hình phạt cho hành động này, dù cố ý hay không, đều sẽ bị xử phạt, thậm chí là xử tử.
Khi chết đi, mèo sẽ được tổ chức tang lễ tương tự như những nghi lễ tưởng nhớ các Pharaoh. Người dân thậm chí còn ướp xác và chôn cất mèo tại một nghĩa trang dành riêng cho loài vật này.
Bạn đồng hành hữu ích của người Hy Lạp và La Mã cổ đại

Mèo dường như đã được đưa vào Hy Lạp và La Mã cổ đại từ khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên bởi những thương nhân Phoenicia đi thuyền đến Địa Trung Hải. Bằng chứng đầu tiên về loài mèo trong nền văn minh Hy Lạp xuất hiện trên 2 đồng xu Magna Graecia, cho thấy những nhân vật nổi tiếng đang chơi đùa cùng những con mèo cưng.

Chú thích ảnh
Tượng nữ thần mèo Bast thời kỳ Ai Cập cổ đại. Ảnh: The Collector

Giống như các nền văn hóa khác,  người La Mã và Hy Lạp coi mèo như các “dũng sĩ” can đảm khi bắt chuột. Các quân đoàn La Mã nuôi mèo trong pháo đài không chỉ để bảo vệ các kho lương thực, mà còn tận dụng tập tính bắt chuột giỏi của mèo để bảo toàn kho vũ khí, vì chuột thích gặm da, có thể làm hỏng áo giáp và thiết bị chiến đấu. Do đó, mèo là người bạn đồng hành hữu ích của những người lính La Mã ở cả hậu phương và trên chiến trường.

Trong thần thoại La Mã, mèo đại diện cho sự tự do và được mô tả là loài vật linh thiêng, luôn sát cánh cùng nữ thần tự do Libertas. Chúng cũng được ban đặc ân là loài động vật duy nhất được phép vào bên trong các ngôi đền tôn giáo

Biểu tượng may mắn

Hình ảnh quyền quý và khả năng săn bắt cừ khôi của mèo đã chiếm được cảm tình của người Trung Quốc. Loài vật này sớm trở thành biểu tượng của tình yêu, hòa bình và may mắn. Trong xã hội Trung Quốc hiện đại, mèo được coi là thú cưng dành riêng cho phụ nữ.

Tại Nhật Bản, mèo bắt đầu xuất hiện từ khoảng năm 999, khi một vị vua được tặng mèo làm quà sinh nhật. Người Nhật tin rằng mèo là loài vật thu hút may mắn, ví chúng với sự duyên dáng và thanh lịch của phụ nữ. Nước này cũng thông qua luật cấm thương mại hóa và nuôi nhốt mèo. Đặc biệt, mèo cụt đuôi Nhật Bản được coi là biểu tượng của triển vọng và tương lai tốt đẹp. Mèo vẫy tay Maneki Neko cũng là biểu tượng của sự phú quý, giàu có.

Ở Ấn Độ, mèo gắn liền với hình ảnh nữ thần sinh sản Shashthi - vị thần mang khuôn mặt hình mèo. Người Ấn Độ thường tạo những bức tượng mèo nhỏ, sử dụng chúng làm đèn để ngăn chặn loài gặm nhấm. Những người theo đạo Phật tin rằng mèo có thể xua đuổi tà ma và ngưỡng mộ chúng vì bản chất bình tĩnh. Tuy nhiên, họ không coi mèo là loài linh thiêng.

Mèo cũng là loài vật may mắn ở Nga trong nhiều thế kỷ. Có một con mèo, đặc biệt là để mèo vào nhà mới trước khi con người chuyển đến, sẽ mang lại may mắn cho gia chủ. Trong Cơ đốc giáo chính thống, mèo là loài động vật duy nhất được phép vào các ngôi đền. Theo luật pháp Nga, giết một con mèo sẽ bị phạt một khoản tiền rất lớn.

Ngày nay, tại Bảo tàng Hermecca nằm trong quần thể Cung điện Mùa đông ở Saint Petersburg, có một đội “bảo vệ mèo” canh giữ báu vật. Chúng có thư ký báo chí riêng, được các nhân viên nuông chiều và chăm sóc tận tình, đồng thời có bác sỹ thú y luôn sẵn sàng thăm khám bất cứ khi nào. Cung điện cũng có một căn phòng đặc biệt dành cho những con mèo hướng nội, không thích tiếp xúc với đồng loại của chúng.

Nơi mèo là "bá chủ"

Chú thích ảnh
Người đàn ông vuốt ve con mèo tại nhà thờ Hồi giáo Imam Aziz Mahmud Hudayi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

Thế giới Hồi giáo rất tôn trọng mèo. Trong nhiều ghi chép, nhà tiên tri Mohammed rất yêu thích và đối xử tốt với mèo. Truyền thuyết kể rằng con vật này từng cứu sống nhà tiên tri Mohammed sau khi cắn chết một con rắn độc đang trườn vào tay áo ông. Lý do này đã khiến nhà tiên tri càng thêm yêu mèo, đến mức có thể tắm chung và uống cùng nguồn nước với chúng. Một sự tích nổi tiếng hơn tiết lộ “vị tiên tri cuối cùng” từng cắt tay áo phải của mình để tránh không làm phiền mèo sau khi phát hiện con thú cưng đang nằm ngủ.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu mèo và tuyệt đối không bao giờ dám “thất kính” với chúng. Ngày nay, Istanbul được mệnh danh là “thành phố mèo”. Mèo xuất hiện ở khắp mọi nơi, trên khắp đường phố, quán bar, nhà hàng, khách sạn. Chúng luôn được yêu thương và chăm sóc chu đáo. Một số người còn mua nhà cho những con mèo hoang để chúng không bị lạnh trong mùa đông, mua nhiều thức ăn cho mèo mỗi dịp siêu thị giảm giá.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Collector)
Tin tức TV: Tết trong lòng người Việt xa xứ
Tin tức TV: Tết trong lòng người Việt xa xứ

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, những người Việt Nam ở nước ngoài lại thêm da diết nhớ hương vị Tết quê hương. Dù đón năm mới cổ truyền nơi đất khách quê người, nhưng họ vẫn cố gắng chuẩn bị một cái Tết thật đủ đầy, sao cho giống Tết Việt nhất, sao cho vẫn giữ được cái hồn của phong tục tập quán quê hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN