Trước đó, bất chấp sự phản đối của quốc tế, Israel tuyên bố muốn thiết lập một vùng đệm ở biên giới, tiếp tục chia nhỏ vùng đất mà người Palestine muốn thành lập nhà nước. Các nhà lãnh đạo Israel giải thích họ muốn thiết lập một vùng đệm như một biện pháp phòng thủ, có thể ngăn chặn việc lặp lại những cuộc tấn công xuyên biên giới như vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều nước cảnh báo Israel không nên thu hẹp lãnh thổ của Gaza.
Việc phá hủy các toà nhà tại nơi đây để mở đường dọc biên giới chỉ là một phần nhỏ thiệt hại trong bức tranh tổn thất tổng thể từ vòng xoáy bạo lực mới nhất giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza.
Về phần mình, khi được phóng viên hỏi liệu họ có đang thiết lập vùng đệm hay không, quân đội Israel từ chối trả lời. Lực lượng Tel Aviv chỉ nói rằng họ đang thực hiện hành động cấp bách cần thiết để triển khai kế hoạch phòng thủ nhằm cải thiện an ninh ở miền Nam Israel. Quân đội cũng thừa nhận đã phá hủy các tòa nhà trên khắp khu vực.
Một quan chức chính phủ Israel giấu tên tiết lộ một vùng đệm an ninh tạm thời đang được xây dựng. Không rõ kế hoạch này có bao gồm dựng rào chắn hay tuần tra khu đất trống hay không.
Gaza có đường biên giới dài gần 60 km với Israel, một mặt giáp với biển Địa Trung Hải. Để tạo vùng đệm, Israel cần sử dụng khoảng 60 km2 tại vùng đất có tổng diện tích đất khoảng 360 km2.
Về phía Nam Dải Gaza, phần lớn đất đai trong vùng đệm tương lai là đất nông nghiệp tiếp giáp với hàng rào biên giới Israel. Nhưng gần thị trấn Khirbet Khuzaa, nơi biên giới quay phía Tây Bắc, tình hình lại rất khác.
Theo hình ảnh vệ tinh từ công ty công nghệ Planet Labs PBC, tại phía Bắc Gaza, các tòa nhà và đất đai bị san phẳng trong một khu vực rộng khoảng 6 km2. Chỉ cách đó hơn 4 km, đất nông nghiệp đã bị xé nát thành đất trống.
Xa hơn về phía Bắc là khu vực có trại tị nạn Maghazi. Đây là khu vực quân dự bị Israel từng chuẩn bị chất nổ để phá hủy hai tòa nhà gần biên giới Israel. Tuy nhiên, các binh sĩ này đã thiệt mạng vào tháng 1 khi một chiến binh phóng lựu đạn vào một chiếc xe tăng gần đó. Vụ nổ xe tăng đã kích hoạt chất nổ làm sập cả hai tòa nhà và khiến 21 binh sĩ thiệt mạng.
Một khu phức hợp nhà kho lớn bị phá hủy ngay phía Đông Nam thành phố Gaza cũng nằm trong vùng đệm tiềm năng.
Adi Ben-Nun, Giám đốc Trung tâm Hệ thống Thông tin Địa lý thuộc Đại học Do Thái Jerusalem, đã khảo sát thiệt hại dọc theo vùng đệm tính đến ngày 17/1. Theo ông Adi, trong số 2.850 tòa nhà có khả năng bị phá hủy, 1.100 tòa nhà đã hư hại. Trên khắp Dải Gaza, ông ước tính 80.000 công trình kiến trúc đã bị hư hại trong chiến tranh.
Trong khi đó, Corey Scher của Đại học Thành phố New York và Jamon Van Den Hoek của Đại học bang Oregon chỉ ra thiệt hại thậm chí còn cao hơn. Họ ước tính ít nhất một nửa số tòa nhà ở Gaza, khoảng 143.900 công trình, đã bị hư hại hoặc phá hủy trong chiến tranh. Thiệt hại nặng nề nhất là xung quanh Thành phố Gaza - thành phố đầu tiên bị nhắm tới trong chiến dịch tấn công trên bộ.
Thế giới phản ứng ra sao trước kế hoạch vùng đệm?
Theo hãng tin AFP, vào tháng 12/2023, Israel đã thông báo cho các đồng minh phương Tây và các quốc gia Arab trong khu vực về kế hoạch tạo vùng đệm giữa Dải Gaza và lãnh thổ Israel.
Tin tức về vùng đệm đã làm dấy lên lo ngại từ cộng đồng quốc tế về việc xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Palestine, đặc biệt là ở Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 25/1 cảnh báo: “Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ sự thu hẹp lãnh thổ nào của Gaza”.
Trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 1/2 nói rằng các quan chức đã nếu vấn đề thành lập vùng đệm với Isreal.
“Chúng tôi đã nói với họ quan điểm tương tự những gì từng công khai. Đó là chúng tôi phản đối bất kỳ sự cắt giảm nào về quy mô lãnh thổ của Gaza”, ông Miller nhấn mạnh.
Trong khi đó, các khu định cư của Israel ở Bờ Tây dưới thời chính phủ cực hữu của Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong một tuyên bố, cơ quan ngoại giao Palestine, thuộc Chính quyền Palestine giám sát Bờ Tây bị chiếm đóng, cho biết: “Israel tiếp tục thực hiện các dự án chiếm đóng ở Dải Gaza, thể hiện rõ qua việc nước này gần đây bắt đầu xây dựng 'vùng đệm' dọc biên giới của Dải Gaza”.
Quan chức cấp cao của nhóm Hồi giáo Hamas, Basem Naim, khẳng định nhóm này "quyết tâm không để điều này xảy ra" khi được hỏi về các kế hoạch vùng đệm khả thi của Israel.