Hệ sinh thái đối mặt nhiều nguy cơ khi nhiệt độ tăng

Các mối đe dọa của biến đối khí hậu đối với cuộc sống trên Trái Đất xảy ra có hệ thống, có mối liên hệ với nhau và ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử loài người.

Đây là cảnh báo mà các cố vấn khoa học khí hậu của Liên hợp quốc đưa ra trong một dự thảo báo cáo về khí hậu.

Chú thích ảnh
Các loài cá tại vùng biển ngoài khơi Mayotte, Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong dự thảo báo cáo của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc (LHQ),  các nhà khoa học cảnh báo sau những cú sốc mạnh về khí hậu trước đó, các hệ sinh thái, mạng lưới thức ăn và hệ sinh thái đã phải mất hàng triệu năm để hồi phục và điều này liên quan đến sự xuất hiện của nhiều loài sinh vật hoàn toàn mới. Dự thảo báo cáo nêu rõ khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của nhiều hệ sinh thái đất liền, nước ngọt, đại dương và ven biển đã "gần hoặc vượt ngưỡng cho phép". Nếu nhiệt độ tăng 2 độ C, khoảng 15% lớp băng vĩnh cửu trên Trái Đất có nguy cơ "bốc hơi" vào năm 2100, tạo ra 36-67 tỷ tấn carbon phát thải, và vòng luẩn quẩn này lại khiến Trái Đất tăng nhiệt nhiều hơn. Ngoài ra, các hiện tượng cực đoan kết hợp với các xu hướng khí hậu dài hạn đang đẩy hệ sinh thái đến điểm tới hạn và điều này không thể đảo ngược. 

Dự thảo báo cáo cũng chỉ ra mối đe dọa đối với triển vọng của các sinh vật trên thế giới. Cụ thể, tỷ lệ tuyệt chủng đang gia tăng đáng kể và ước tính cao hơn 1.000 lần so với mức trước khi hoạt động của con người tác động vào Trái Đất hồi thế kỷ trước. Nhiệt độ tăng cao còn khiến nhiều loài động thực vật phải di cư đi xa hàng trăm km từ môi trường sống tự nhiên của chúng vào cuối thế kỷ này. Các nhà khoa học cũng cảnh báo nếu nhiệt độ Trái Đất tăng từ 2 độ C- 3 độ C so với mức tiền công nghiệp, khoảng 54% các loài sinh vật biển và đất liền có nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ này, trong đó các loài sinh vật sống trên núi và trên đảo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả khi mức nhiệt của hành tinh chỉ tăng 2 độ C, các loài động vật vùng cực như chim cánh cụt, hải cẩu, gấu Bắc Cực, cùng với các rạn san hô nước ấm và rừng ngập mặn, cũng sẽ đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng. 

Chú thích ảnh
 Rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng nghiêm trọng. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cố vấn khoa học của LHQ cũng chỉ rõ nguy cơ từ nhiệt độ tăng đối với các cánh rừng, theo đó sự kết hợp giữa điều kiện khí hậu khô và hạn hán sẽ khiến mùa cháy rừng trên khắp hành tinh sẽ kéo dài hơn, diện tích bị thiêu rụi tăng 2 lần. Cháy rừng và hạn hán do lượng khí phát thải cao có thể biến một nửa diện tích rừng rậm Amazon thành đồng cỏ. Tại lãnh nguyên Bắc Cực và rừng phương Bắc, diện tích rừng bị thiêu rụi đã tăng 9 lần trên khắp Siberia trong giai đoạn 1996-2015. Việc khôi phục rừng có thể lưu trữ khí carbon và giúp con người có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc trồng rừng ở những nơi ngoài rừng tự nhiên - như đồng cỏ và thảo nguyên - có thể làm tổn hại đến đa dạng sinh học và tăng rủi ro về khí hậu.

Ở các đại dương, dự thảo báo cáo của LHQ thống kê rằng trong giai đoạn 1925-2016, nguy cơ sóng nhiệt biển -vốn có thể hủy hoại và làm chết san hô, rừng tảo bẹ, thảm cỏ biển và động vật không xương sống- tăng 34% về tần suất và 17% về thời gian diễn ra. Với mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C, diện tích các rạn san hô trên thế giới được dự báo sẽ giảm từ 70%-90%. Vượt qua mức tăng nhiệt này, các rạn san hô sẽ phải chịu sự tổn thất lớn.

Thanh Hương (TTXVN)
Hội nghị COP26 - 'cơ hội cuối cùng' để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng
Hội nghị COP26 - 'cơ hội cuối cùng' để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến được tổ chức tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới sẽ là "cơ hội và cũng là hy vọng cuối cùng" để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN