Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre cho biết cuộc họp về gia hạn thời hạn hoạt động Lực lượng quan sát viên không can dự LHQ ở Golan (UNDOF) sẽ được chuyển từ tham vấn kín sang thảo luận mở, phù hợp với yêu cầu của Syria. HĐBA LHQ dự kiến sẽ không ra tuyên bố về quyết định nói trên của Mỹ do một văn kiện như vậy cần sự đồng thuận của toàn bộ 15 nước ủy viên HĐBA, trong đó có Mỹ.
Trước đó ngày 26/3, Chính phủ Syria đã gửi thư cho Pháp, nước hiện giữ chức Chủ tịch HĐBA LHQ, để đề nghị cơ quan này họp khẩn, đồng thời gọi quyết định của Mỹ là “sự vi phạm trắng trợn” những nghị quyết của LHQ. Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.
Văn bản được ký tại Nhà Trắng với sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Quyết định của Tổng thống Mỹ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới.
Cùng ngày 27/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra thông cáo báo chí nhấn mạnh “Cao nguyên Golan là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Syria”.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn khẳng định việc chối bỏ chủ quyền của Syria với Cao nguyên Golan “là vi phạm chủ quyền của Syria”, có thể dẫn đến gia tăng bất ổn tại Trung Đông.
Thông cáo nhấn mạnh, Triều Tiên ủng hộ và đoàn kết tuyệt đối với cuộc đấu tranh của chính phủ và người dân Syria nhằm đòi lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Cao nguyên Golan, bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.