Công nhận chủ quyền với Cao nguyên Golan: Bước ngược chiều nguy hiểm?

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 đã hiện thực hóa tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, động thái không những "đảo chiều" chính sách của Washington suốt nhiều năm mà còn đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về khu vực này, vốn coi việc Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ năm 1981 là "vô nghĩa, không có giá trị và không có hiệu lực pháp lý quốc tế".  

Chú thích ảnh
Xe quân sự Israel tham gia huấn luyện trên vùng đất chiếm đóng của Cao nguyên Golan ngày 7/5/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù chỉ mang tính biểu tượng, không thay đổi được hiện trạng Cao nguyên Golan, song việc Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan được nhìn nhận là sẽ đổ thêm dầu vào "chảo lửa" Trung Đông, thổi bùng thêm những mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, sự tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực cả bên trong lẫn bên ngoài, đẩy nền hòa bình khu vực ngày càng trở nên mong manh.

Có thể nói, việc bất ngờ "làm nóng" vấn đề Cao nguyên Golan vào thời điểm này hoàn toàn là bước đi có tính toán của Tổng thống Donald Trump. Xét về chiến lược an ninh quốc gia, một trong những mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump tại Trung Đông là tạo mối liên kết chặt chẽ với các đồng minh chủ chốt trong khu vực, một mặt thông qua các đồng minh này để duy trì ảnh hưởng của Mỹ, mặt khác không để bất cứ "nước thù địch" với Mỹ nào thống trị khu vực này.

Iran là quốc gia Trung Đông được Mỹ coi như "nước thù địch" chủ chốt, chưa kể Syria, vốn có mối quan hệ thân cận không chỉ với Iran mà cả Nga, đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng vị thế cường quốc với Washington  tại Trung Đông.

Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Israel luôn được Tổng thống Trump coi là "điểm tựa" để Washington thực hiện mục tiêu kiềm chế đối thủ Iran hay tạo cán cân sức mạnh ngả về Mỹ ở Trung Đông.

Sự ủng hộ công khai của Tổng thống Trump đối với Nhà nước Do Thái, từ việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bất chấp làn sóng phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, tới quyết định về Cao nguyên Golan lần này, không nằm ngoài chính sách củng cố liên minh lâu đời Mỹ-Israel vì những mục tiêu chiến lược dài hạn tại khu vực.

Thời điểm Tổng thống Mỹ công bố quyết định trên nhân chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Mỹ, được cho là để tạo lợi thế cho nhà lãnh đạo này trong cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra vô cùng khó khăn vào ngày 9/4 tới.

Bên cạnh đó, khi cuộc xung đột tại Syria đang tạo ra những bước ngoặt quan trọng, trong một cục diễn mà Chính phủ Syria cùng những đồng minh như Nga và Iran được coi là "ở thế thượng phong" so với liên minh của Mỹ, việc Washington đứng về phía Israel trong vấn đề Cao nguyên Golan có thể "khuấy đảo" xung đột giữa hai quốc gia Trung Đông Israel và Syria.

Trong nhiều năm qua, các vụ quân đội Israel tấn công, không kích và phóng tên lửa nhằm vào các mục tiêu ở Syria đều được gắn với các "sự cố" liên quan tới Cao nguyên Golan.

Căng thẳng ở Cao nguyên Golan có thể kéo theo đụng độ quân sự giữa Israel và Syria và kịch bản này rõ ràng khiến tình hình Syria bất ổn. Không loại trừ khả năng vai trò đang tỏ ra "suy yếu" của Mỹ ở Syria sẽ thay đổi sau những biến động liên quan tới căng thẳng ở cao nguyên Golan.

Giống như những gì đã từng xảy ra hồi tháng 12/2017 khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, quyết định Tổng thống Mỹ đối với Cao nguyên Golan đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, ngay cả các nước là đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Âu và vùng Vịnh.

Bước đi ngược chiều này của Tổng thống Trump khiến dư luận hoài nghi liệu Mỹ có xứng đáng với vai trò "trọng tài phân xử" công bằng khi trao lợi thế cho Israel, bất chấp việc phá vỡ các nghị quyết của HĐBA LHQ về Cao nguyên Golan cũng như quy định không được vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia thông qua việc chiếm đóng.

Như nhận định của cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ Leon Panetta, việc thừa nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan đã “loại bỏ một trong những con bài mà mọi người đều cho rằng sẽ là một phần của thỏa thuận hòa bình Trung Đông”, bản thỏa thuận Mỹ đang thúc đẩy nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel/Palestine.

Khi ấy, nó sẽ gây ra rắc rối thực sự với các đồng minh Arab của Mỹ ở Trung Đông. Cùng chung nhận định trên, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Faruk Logoglu còn nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Trump là "bước đi tiếp theo trong chuỗi các bước phá hoại, nhằm gây bất ổn trật tự thế giới" kể từ khi ông nắm quyền "chèo lái" cường quốc số 1 thế giới, là "đòn tấn công cực kỳ nguy hiểm" gây tổn hại tới sự ổn định nói chung.

Không chỉ vậy, động thái của Mỹ có thể kéo theo làn sóng bạo lực mới trong khu vực bởi nó sẽ "tiếp sức" cho tham vọng của Israel bằng mọi cách giữ cho được khu vực Cao nguyên Golan đang chiếm đóng. Trong một phản ứng ngay sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh, Chính phủ Syria đã phản đối, coi bước đi này của Washington là đòn tấn công rõ ràng vào chủ quyền của Syria.

Tuyên bố trên đã củng cố quyết tâm của chính phủ và người dân Syria về việc không thể "khoanh tay đứng nhìn", trái lại sẽ phải tìm mọi cách giành lại phần lãnh thổ bị chiếm đóng trái phép từ năm 1967. Khi đó, nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm như những gì xảy ra Syria như 9 năm qua hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Đó là chưa kể, một làn sóng chống lại sự kiểm soát của Israel trên khắp khu vực Trung Đông cũng có thể nổ ra từ Palestine tới Syria, rộng hơn là đối với cả thế giới Arab. Nói như Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Fawaz Gerges thuộc trường Kinh tế London, tác giả cuốn sách “Making the Arab World”, Tổng thống Donald Trump đã "khiến Israel  vướng vào một cuộc đối đầu liên miên với các nước Arab láng giềng", chẳng khác nào "việc đóng thêm một chiếc đinh vào cỗ quan tài chôn vùi tiến trình hòa bình và hòa giải Arab-Israel.

Ngoài ra, động thái này còn có thể sẽ "tạo tiền lệ xấu", khích lệ các nước tăng cường việc chiếm đóng đất đai, xây dựng các khu định cư và khai thác tài nguyên thông qua xung đột.

Bất luận ra sao thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có thêm bước đi ngược chiều tạo ra những nguy cơ khôn lường không chỉ cho khu vực Trung Đông mà còn để lại nhiều hệ lụy khó kiểm soát đối với sự ổn định chiến lược trên thế giới.

 

Ngọc Hà (TTXVN)
Hơn 5 thập kỷ bị chiếm đóng và những toan tính chiến lược ở Cao nguyên Golan
Hơn 5 thập kỷ bị chiếm đóng và những toan tính chiến lược ở Cao nguyên Golan

Cao nguyên Golan rộng 1.800km2 bị Israel chiếm đóng kể từ cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967 là vùng lãnh thổ mang ý nghĩa quan trọng chiến lược về mặt quân sự và tài nguyên đối với cả Syria và Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN