Nhiều nước phản đối Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan 

Ngày 26/3, tiếp tục làn sóng phản đối động thái của Mỹ đối với Cao nguyên Golan, nhiều nước trong khu vực Trung Đông đã lên tiếng bày tỏ lập trường về vấn đề này. 

Thứ trưởng Ngoại giao Kuwait Khaled Al-Jarallah đã bày tỏ “lấy làm tiếc” về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, đồng thời cho biết Kuwait mong đợi sẽ có những bước đi giúp làm dịu căng thẳng trong khu vực.

Chú thích ảnh
 Hàng rào ngăn cách khu vực Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, gần thị trấn Majdal Shams, với Syria, ngày 25/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Al-Jarallah nhấn mạnh rằng Kuwait coi Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Syria, cho rằng động thái nêu trên của nhà lãnh đạo Mỹ là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đặc biệt là nghị quyết số 497 vốn kêu gọi Israel hủy bỏ việc sáp nhập Cao nguyên Golan vào lãnh thổ nước này hồi năm 1981.

Quan chức ngoại giao Kuwait chỉ rõ việc làm này của Washington sẽ hủy hoại vai trò của Mỹ vốn được coi là nhà trung gian hòa giải, bảo trợ cho tiến trình hòa bình ở khu vực. Ông Al-Jarallah kêu gọi phía Mỹ bãi bỏ quyết định vốn sẽ gây ra nhiều hậu quả và những phản ứng tiêu cực này. 

Cũng trong ngày 26/3, Bộ Ngoại giao Bahrain ra tuyên bố nêu rõ Vương quốc Bahrain khẳng định lập trường rõ ràng về việc công nhận Cao nguyên Golan là vùng lãnh thổ của Syria vốn bị Israel chiếm đóng hồi tháng 6/1967 mà đã được nêu trong các nghị quyết của HĐBA LHQ.

Bahrain cho rằng động thái của Mỹ gây cản trở những nỗ lực nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông. Bộ trên nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ của các quy định của luật pháp quốc tế, kêu gọi phối hợp những nỗ lực nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại Cao nguyên Golan.

Qatar và Palestine cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho Syria về vấn đề chủ quyền Cao nguyên Golan. Bộ Ngoại giao Qatar đã ra tuyên bố phản đối động thái của Mỹ, khẳng định rằng Cao nguyên Golan là vùng đất Arab bị chiếm đóng. Doha cũng kêu gọi Israel tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ của Arab mà nước này chiếm đóng, trong đó có Cao nguyên Golan.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng lên án việc làm của Mỹ khi ông cho rằng “không có hành động pháp lý nào có thể có hiệu lực cao hơn các nghị quyết của HĐBA LHQ, Đại hội đồng LHQ hay Sáng kiến Hòa bình Arab”. Trong khi đó, người đứng đầu cánh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine Ismail Haniyeh nhấn mạnh rằng Cao nguyên Golan sẽ “mãi mãi thuộc về một phần không thể thiếu của Syria”.

Iran cũng kịch liệt phản đối việc Tổng thống Mỹ công nhận Cao nguyên Golan là thuộc chủ quyền của Israel. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani nhận định với quyết định này, Tổng thống Trump đã vi phạm các quy định quốc tế. 

Trong khi đó, theo các nhà phân tích ở khu vực, động thái trên của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ để lại những hậu quả và rủi ro lâu dài đối với chính Israel và làm thay đổi hiện trạng của Trung Đông, đẩy khu vực này đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng mới.

Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Văn bản được ký tại Nhà Trắng với sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. 

Anh Tuấn (TTXVN)
Hơn 5 thập kỷ bị chiếm đóng và những toan tính chiến lược ở Cao nguyên Golan
Hơn 5 thập kỷ bị chiếm đóng và những toan tính chiến lược ở Cao nguyên Golan

Cao nguyên Golan rộng 1.800km2 bị Israel chiếm đóng kể từ cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967 là vùng lãnh thổ mang ý nghĩa quan trọng chiến lược về mặt quân sự và tài nguyên đối với cả Syria và Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN