Theo Bloomberg, các thành viên chủ chốt của phong trào Áo vàng cho biết, việc phản đối những chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron không mâu thuẫn với nỗi đau buồn trước những thiệt hại mà đám cháy gây ra với công trình biểu tượng về tôn giáo và văn hoá của nước Pháp.
Chính phủ Pháp cho biết khoảng 60.000 cảnh sát đã được triển khai trong ngày thứ Bảy 20/4 để bảo đảm an ninh, đối phó với làn sóng biểu tình. Tới 4h30 chiều cùng ngày, có 189 người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ, hầu hết những người này mang theo các vật dụng có thể được sử dụng làm vũ khí. Cảnh sát Pháp cũng đã tiến hành trên 17.000 cuộc kiểm tra phòng ngừa.
Những người biểu tình Áo vàng đã di chuyển từ khu vực trụ sở Bộ Tài chính Pháp bên bờ sông Seine tới Quảng trường Cộng hoà ở trung tâm thành phố, rồi đốt cháy các xe máy, thùng rác, đập phá mặt tiền cửa hàng và phá ít nhất một xe ô tô.
Bộ Nội vụ Pháp ước tính có 6.700 người biểu tình tụ tập ở Paris vào 2 giờ chiều 20/4, so với con số 1.300 người vào thời gian này tuần trước, tức là trước khi xảy ra vụ cháy Nhà thờ Đức Bà. Và trên toàn quốc có 9.600 người Áo vàng biểu tình.
Trong khi đó, ngày 19/4, Tổng thống Pháp Macron đã tổ chức cuộc họp báo, thông báo giải pháp thuế và các biện pháp khác được đưa ra sau cuộc "Đại tranh luận", với một loạt các cuộc họp bàn của giới chức kéo dài 2 tháng qua.
Những cuộc thăm dò dư luận mới nhất, được tiến hành vào cuối tháng 3 nhằm tìm hiểu sự ủng hộ của công chúng Pháp đối với phong trào Áo vàng, cho thấy chỉ một nửa số người được hỏi bày tỏ cảm thông với nguyên do mà người Áo vàng biểu tình, giảm mạnh so với tỉ lệ gần 80% vào năm ngoái.
Xem video người biểu tình lại náo loạn Paris (Nguồn: RT):
Phong trào biểu tình Áo vàng ban đầu bùng phát như là hành động đáp trả việc chính phủ tăng thuế lên dầu diesel, sau đó phát triển thành một phong trào rộng lớn phản đối mức sống thấp và cách điều hành của Tổng thống Macron.
Mặc dù xuất hiện tự phát, không có thủ lĩnh chính, nhưng phong trào biểu tình Áo vàng đã duy trì trong thời gian dài và được tổ chức bởi những lãnh đạo địa phương khác nhau, tập hợp người biểu tình qua mạng xã hội.
Trong 23 tuần bất ổn, Tổng thống Pháp Macron đã đưa ra nhiều nhượng bộ trước những yêu sách của người biểu tình, tuy nhiên vẫn chưa thể dập tắt những bất bình đang gia tăng.
Sau thảm kịch cháy Nhà thờ Đức Bà, Tổng thống đã hoãn bài phát biểu quốc gia trên truyền hình, mà ông dự kiến sẽ công bố gói các biện pháp giảm thuế và các cải cách kinh tế khác nhằm xoa dịu nỗi giận dữ của người dân lao động Pháp.