Hành trình trở lại Moskva của 'lái buôn tử thần' Viktor Bout vừa được Mỹ trao trả cho Nga

"Viktor Bout, trong mắt tôi, là một trong những người nguy hiểm nhất trên Trái đất," Michael Braun, cựu giám đốc chiến dịch Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) tuyên bố vào năm 2010.

Chú thích ảnh
Viktor Bout người bị Mỹ kết án buôn lậu vũ khí khi được dẫn giải tới tòa án hình sự ở Bangkok ngày 4/10/2010. Ảnh: Reuters 

Viktor Bout, công dân Nga bị Mỹ cáo buộc là trùm buôn lậu vũ khí, với biệt danh "Lái buôn tử thần" ngày 8/12 đã được Washington trao trả cho Moskva trong cuộc trao đổi tù nhân một đổi một, để đổi lấy ngôi sao bóng rổ nữ Brittney Griner bị bắt giam ở Nga từ tháng 2 năm nay.

Truyền thông nhà nước Nga từ nhiều tháng nay đã suy đoán rằng Griner, người bị kết án 9 năm tù vì mang theo thuốc lá điện tử chứa dầu cần sa, có thể được đổi lấy Bout, người mà Điện Kremlin đã tìm kiếm từ lâu.

Tuy nhiên, các thông tin trước đó đã tập trung vào khả năng trao đổi cả Griner và cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan, người bị Nga kết án 16 năm tù giam với tội danh gián điệp - điều mà bị cáo và chính phủ Mỹ bác bỏ. Nhưng thỏa thuận trao đổi cuối cùng chỉ dành cho Griner.

Vào ngày 27/7, Ngoại trưởng Antony Blinken lần đầu tiên công khai những nỗ lực đưa Griner và Whelan về nước, nói rằng Mỹ đã đưa ra một "đề xuất quan trọng" với Nga. Một tuần sau, các quan chức Nga cho biết họ "sẵn sàng thảo luận" việc trao đổi tù nhân.

Cuối cùng ngày 8/12, Viktor Bout, 55 tuổi, đã được Mỹ trao trả cho phía Nga sau hơn một thập kỷ bị giam giữ và chấp hành chưa được một nửa án tù. Một chiếc máy bay đã chở Bout từ Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) - nơi diễn ra cuộc trao đổi tù nhân- về Moskva cùng ngày. 

Chú thích ảnh
Chiếc máy bay An-148 được cho là chở Viktor Bout chuẩn bị đáp xuống sân bay quốc tế Vnukovo ở Moskva, Nga ngày 8/12/2022. Ảnh: Reuters 

Theo đài CBS (Mỹ), Viktor Bout, một phiên dịch viên quân sự vào thời Liên Xô cũ, bị Mỹ cáo buộc trở thành tay buôn vũ khí quốc tế. Ông ta bị đặc vụ Mỹ đóng giả dụ đến Thái Lan và sa lưới tại đây trong một chiến dịch táo bạo trải rộng trên ba lục địa của Cơ quan Chống ma túy Mỹ (DEA)./

"Viktor Bout, trong mắt tôi, là một trong những người nguy hiểm nhất trên Trái đất," Michael Braun, cựu giám đốc chiến dịch của DEA nói với CBS vào năm 2010.

Theo tờ The New Yorker, Bout nhập ngũ vào quân đội Liên Xô khi 18 tuổi. Bout phục vụ hai năm trong một lữ đoàn bộ binh ở miền Tây Ukraine, sau đó nộp đơn vào Học viện Ngoại ngữ Quân sự ở Moskva, học tiếng Bồ Đào Nha. Bout từng khẳng định với The New Yorker rằng ông ta chưa bao giờ là gián điệp, nhưng những người khác, bao gồm cả đối tác kinh doanh cũ và một cựu sĩ quan CIA, nói rằng Bout đã từng làm việc cho GRU, cơ quan tình báo quân sự nước ngoài thời Liên Xô.

Năm 1995, khi 28 tuổi, Bout bắt đầu làm việc tại các kho chứa hàng hóa ở Sân bay Quốc tế Sharjah, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Cuối cùng Bout thành lập hãng hàng không chở hàng của mình, Air Cess, với một đội máy bay nhỏ của Nga chuyên vận chuyển hàng hóa đến châu Phi và Afghanistan.

Trong những năm sau đó, Bout bị cho là tham gia vào hoạt động cung cấp vũ khí tinh vi tới các cuộc nội chiến trên khắp thế giới. “Nếu tôi không làm thì người khác sẽ làm,” Bout nói với tờ New Yorker.

Đến lúc đó, ông đã lọt vào tầm ngắm của các quan chức Mỹ và Anh. Peter Hain, quốc vụ khanh phụ trách châu Phi tại Văn phòng Ngoại giao Anh, đã gióng chuông cảnh báo khi binh lính Anh ở châu Phi bị tấn công bởi vũ khí ngày càng tinh vi.

"Những kẻ phá lệnh trừng phạt đang tiếp tục kéo dài cuộc xung đột ở Sierra Leone và Angola, với kết quả là vô số sinh mạng bị cướp đi và những vụ hành hình đang diễn ra. Viktor Bout thực sự là kẻ phá lệnh trừng phạt chính, và là lái buôn tử thần sở hữu các công ty vận chuyển vũ khí và hỗ trợ hậu cần khác cho quân nổi dậy ở Angola, Sierra Leone và lấy kim cương trả cho những vũ khí đó… hỗ trợ và tiếp tay cho những người đang quay súng vào binh lính Anh", ông Hain phát biểu tại Hạ viện Anh năm 2000.

Biệt danh "lái buôn tử thần" đến với Hain một cách tự nhiên, khi nó được nhắc tới trong một bản báo cáo tóm tắt tình báo khác về các hoạt động của Bout - theo cuốn sách "Chiến dịch không ngừng nghỉ: Cuộc săn lùng tên tội phạm giàu có nhất, nguy hiểm nhất trong lịch sử" của tác giả Damien Lewis. Giới truyền thông đã nhanh chóng sử dụng biệt danh này khi nhắc tới Bout.

Chú thích ảnh
Viktor Bout ngồi sau song sắt tại Tòa án tối cao Bangkok (Thái Lan) vào năm 2010. Ảnh: AFP/ Getty Images

Tại Mỹ, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính, đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Bout và các công ty của ông ta, bằng cách đóng băng tài sản và ngăn chặn mọi giao dịch thông qua các ngân hàng Mỹ. Nhưng hoạt động kinh doanh của Bout được các công ty bình phong che giấu đến mức chính phủ Mỹ thậm chí đã từng vô tình ký hợp đồng với hai công ty của hắn để cung cấp hàng tiếp tế cho quân đội Mỹ ở Iraq.

Đến năm 2007, Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ đã nghĩ ra kế hoạch dụ Bout ra khỏi Nga bằng một thương vụ mua bán vũ khí khó có thể từ chối. Cơ quan đã thuê một đặc vụ bí mật để liên hệ với một cộng sự đáng tin cậy của Bout về một hợp đồng lớn. Cuộc trao đổi đó đã dẫn đến cuộc gặp đầu tiên giữa những người mua vũ khí trá hình của DEA - đóng giả làm quan chức của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), và cộng sự của Bout trên đảo Curacao, cách bờ biển Colombia vài trăm kilomet.

Cộng sự của Bout là Andrew Smulian đã đến Moskva để trình bày thỏa thuận với Bout. Hai tuần sau, Smulian gặp các đặc vụ mật ở Copenhagen (Đan Mạch) nói với họ rằng đối tác kinh doanh của anh ta thích thỏa thuận này.

Vài tuần sau, Bout lên đường đến Thái Lan, đinh ninh rằng mình sẽ gặp các quan chức FARC để thảo luận về việc vận chuyển "kho vũ khí cấp quân sự" để tấn công các máy bay trực thăng của Mỹ ở Colombia.

Trong cuộc gặp vào tháng 3/2008 tại một phòng họp khách sạn ở Bangkok, Bout nói với các đặc vụ DEA đóng giả là quan chức FARC rằng ông ta có thể thả vũ khí từ trên không xuống Colombia và thừa nhận rằng vũ khí này có thể được sử dụng để giết người Mỹ. Cảnh sát Thái Lan và các đặc vụ DEA lúc đó ập vào phòng, bắt giữ Bout.

Chú thích ảnh
Viktor Bout bị áp giải đến tòa án ở Bangkok, Thái Lan, năm 2010. Ảnh: AFP

Ông ta bị dẫn độ về Mỹ vào năm 2010 sau hai năm tố tụng tại Thái Lan và bị kết án về một loạt tội danh liên quan đến buôn lậu vũ khí, khủng bố.

Bout nhận bản án 25 năm tù vào năm 2012. Phía Nga luôn tuyên bố ông ta vô tội, mô tả vụ án này là một sự bất công trắng trợn và tìm mọi cách để trả tự do cho công dân mình. Theo trang web của Cục Nhà tù Liên bang Mỹ, năm nay 55 tuổi, lẽ ra phải đến tháng 8/2029 Bout mới được trả tự do.

"Họ tìm cách giam tôi hết đời. Nhưng tôi sẽ trở lại Nga. Tôi không biết khi nào. Nhưng tôi vẫn còn trẻ", Bout nói với The New Yorker trước khi tòa tuyên án.

Trong cuộc trao đổi tù nhân ngày 8/12, theo một đoạn video do hãng tin TASS công bố, có thể thấy Griner và Bout được hộ tống đi ngang qua nhau trên đường băng, trên đường tới những chiếc máy bay sẽ đưa họ về nhà. Griner, mặc áo khoác đỏ và quần tối màu, quay lưng lại với máy quay. Còn Bout ôm một quan chức Nga, người chào đón ông ta với nụ cười tươi.

Trên hành trình trở về, khi máy bay dừng tiếp liệu, Bout đã nói chuyện qua điện thoại với gia đình. Công dân này cũng được y tá đo nhiệt độ và kiểm tra huyết áp. Vợ của Bout, Alla Bout, được truyền thông Nga phỏng vấn cho biết ông ta "kiệt sức" và đã không ngủ ba ngày.

Hãng tin TASS dẫn lời bà Alla cho biết Viktor Bout đã bày tỏ biết ơn người Mỹ vì sự đối xử tôn trọng và hào phóng của họ trong quá trình trao đổi.  Alla Bout nói với TASS ngày 8/12: "Anh ấy nói rằng anh ấy biết ơn phía Mỹ vì đã được cho ăn. Anh ấy nói đã không ăn nhiều như vậy trong 12 năm qua. Anh ấy được đối xử rất cao thượng, với sự tôn trọng: không bị xiềng xích, không bị còng tay".

Theo bà Alla Bout, trong quá trình trao đổi, phía Mỹ đã xin lỗi vì không kịp chuẩn bị bản vẽ, tài liệu gửi trả. Gia đình Bout mong muốn giới chức Mỹ sẽ trao các tài liệu và bản vẽ của ông cho Đại sứ quán Nga trong thời gian tới. 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CBS, Reuters, TASS)
Hàng triệu thùng dầu vẫn lênh đênh trên Biển Đen, chờ qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ
Hàng triệu thùng dầu vẫn lênh đênh trên Biển Đen, chờ qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ

Tình trạng hàng chục tàu chở dầu ùn tắc tại các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp diễn khi các bên không thể đưa ra giải pháp cho vấn đề bảo hiểm liên quan đến lệnh trừng phạt dầu thô của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN