Nhìn lại bức tranh năng lượng toàn cầu, có thể điểm lại những “mảng màu sáng, tối” nổi lên rõ nét: Sự bùng nổ năng lượng tái tạo ở Bỉ; Ấn Độ đứng thứ tư thế giới về công suất lắp đặt năng lượng tái tạo; Đức lắp đặt hơn 1 triệu hệ thống pin năng lượng Mặt Trời mới trong năm 2023, tương đương công suất 14 GW, tăng 85% so với năm 2022… Bất chấp những con số ấn tượng trên, lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hoá thạch tăng lên mức kỷ lục mới. Theo Báo cáo Dự án carbon toàn cầu, lượng phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới năm 2023 lên tới 36,8 tỷ tấn, cao hơn 1,1% so với năm trước đó.
Một trong những cam kết lịch sử đạt được tại COP28 là dần dần “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”. Cam kết này làm dấy lên hy vọng về bước khởi đầu của tương lai năng lượng sạch. Thế nhưng, tương lai ấy dường như vẫn còn mù mịt, khi năng lượng hóa thạch vẫn giữ “vị trí thống trị” trong “kim tự tháp năng lượng”. Tại Tuần lễ Năng lượng quốc tế London vừa qua, ông David Whitehouse – Giám đốc điều hành của Offshore Energies UK, Hiệp hội thương mại ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi của Vương quốc Anh, thừa nhận dầu khí vẫn chiếm 75% tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Nhiều dữ liệu cho thấy thế giới đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng, song hành trình “cai nghiện” năng lượng hóa thạch còn gặp nhiều trở ngại. Dễ nhận ra hơn cả là sự khác biệt lớn trong hành trình chuyển dịch giữa các nước. Những quốc gia đi tiên phong thường có lợi thế về sản xuất năng lượng tái tạo và họ đã khai thác thế mạnh này cùng với tiềm lực tài chính. Trong khi đó, nhiều nước khác, chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, vẫn đang loay hoay giải bài toán chuyển đổi năng lượng.
Đi đầu là những nước ở châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Phần Lan và Mỹ. Theo Chỉ số hiệu quả môi trường 2022, Đan Mạch được đánh giá là một trong những nền kinh tế xanh có mức độ thành công lớn nhất thế giới trong chuyển đổi năng lượng để bảo vệ môi trường. Đứng thứ hai và ba lần lượt là Anh và Phần Lan. Kinh nghiệm cho thấy Đan Mạch đã phát triển năng lượng điện gió trong các kế hoạch phát triển năng lượng của nước này từ năm 1976. Cho đến nay, hơn 40% sản lượng điện năng của Đan Mạch đến từ điện gió.
Nếu như lĩnh vực điện gió đang tạo ra động lực đạt các mục tiêu năng lượng xanh của nhiều nước châu Âu, thì không ít nước châu Phi vẫn đang loay hoay huy động vốn đầu tư cho nỗ lực chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và hydro xanh cho những tiềm năng chưa được khai thác. Chẳng hạn như Kenya, để huy động vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế xanh, quốc gia Đông Phi này đang đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).
Cũng có không ít tín hiệu tích cực. Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) ghi nhận năm 2023 đánh dấu “sự lên ngôi” của năng lượng tái tạo và năng lượng sạch ở cấp độ toàn cầu. Năng lượng tái tạo được bổ sung vào các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới đã tăng gần 50%, đạt gần 510 GW, chủ yếu nhờ hơn 130 quốc gia thúc đẩy chính sách năng lượng phù hợp với xu hướng toàn cầu. Công suất năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới, nhất là ở châu Âu và Mỹ.
Những số liệu ấn tượng này chính là động lực làm dấy lên hy vọng rằng con đường hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là khó khăn nhưng vẫn còn cơ hội.
Để đi tiếp trên hành trình này, thế giới cần vượt qua những thách thức, gồm khác biệt về chính sách giữa các nước gây trở ngại cho việc áp dụng rộng rãi các giải pháp năng lượng tái tạo, chi phí vốn ban đầu cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, khiến các cá nhân và doanh nghiệp khó chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Ngoài ra, tính không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo có thể khiến việc cung cấp một nguồn năng lượng đáng tin cậy trở nên thách thức
Trước tình hình này, các cuộc thảo luận tại London đánh giá lại vai trò “bước đệm” của khí phát thải ít carbon như khí hydro, khí sinh học, khí tự nhiên hoá lỏng, trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Vấn đề đặt ra là quá trình khoan khai thác, chiết xuất và vận chuyển khí tự nhiên lại gây phát thải metan – một loại khí gây ấm lên toàn cầu gấp nhiều lần so với CO2.
Tại COP26, các nước đã ký Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu ở mức 30% vào năm 2030 so với mức năm 2020. Đến COP28, 50 công ty dầu khí chiếm 40% sản lượng toàn cầu đã cam kết khử carbon và giảm lượng khí metan trong hoạt động từ nay đến năm 2050. Thế nhưng, tốc độ thực hiện cam kết chưa đạt kỳ vọng.
Giám đốc điều hành của Offshore Energies UK David Whitehouse giải thích việc các công ty năng lượng chậm chuyển đổi là do vẫn cần nguồn thu từ dầu khí để đầu tư vào năng lượng mới. Cuộc tranh luận nóng lên khi vấp phải luồng ý kiến phản biện.
Trong khi thế giới vẫn đau đầu cân bằng phương trình “bước đệm” trong chuyển đổi năng lượng và cắt giảm khí thải metan từ các loại khí, thì một số nước chưa có nguồn đầu tư mạnh đã chọn cách tăng tiêu thụ khí tự nhiên. Ví dụ, Ấn Độ coi khí đốt tự nhiên là nhiên liệu chuyển tiếp trong quá trình hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2070.
Trong bối cảnh đó, những giải pháp “công nghệ” đã được xướng tên, mà trước hết là công nghệ thu giữ CO2. Lâu nay, có hai luồng ý kiến trái chiều về công nghệ thu hồi và lưu giữ CO2. Những người ủng hộ tin rằng công nghệ lưu giữ CO2 là "phao cứu sinh" giúp giảm thiểu lượng phát thải, song một số nhà nghiên cứu, nhà vận động và nhóm vận động môi trường cho rằng những công nghệ này không phải là một giải pháp.
Ông Jim Skea - thành viên Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đánh giá công cuộc triển khai công nghệ thu hồi và lưu trữ CO2 vẫn là thách thức, so sánh việc thu giữ CO2 "chẳng khác nào nỗ lực đẩy nước lên đồi cao”. IEA cũng kêu gọi ngành dầu khí từ bỏ "ảo tưởng" rằng thu hồi carbon là một giải pháp cho biến đổi khí hậu, thay vào đó thúc đẩy các công ty năng lượng tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch.
Vậy là các nước lại chuyển sang đặt cược vào “yếu tố làm thay đổi cuộc chơi” khác. Đó là công nghệ sản xuất nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp hơn, như hydro, amoniac và nhiên liệu tổng hợp, được kỳ vọng thay thế cho dầu mỏ và khí đốt. "Ván cược" khiến cuộc đua trong lĩnh vực công nghệ này trở nên rầm rộ. Saudi Arabia đang xây dựng nhà máy hydro xanh lớn nhất thế giới với vốn đầu tư khổng lồ 8,4 tỷ USD, công suất dự kiến 600 tấn hydro xanh mỗi ngày khi hoạt động vào cuối năm 2026.
Trong khi chờ đợi những kết quả hữu hình, cuộc tranh luận tại London tập trung vào thị trường giao dịch và cơ chế định giá carbon, như một công cụ chính sách để giảm phát thải khí nhà kính. Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu khuyến khích sử dụng các cơ chế thị trường như vậy, song vẫn còn những quan ngại về thị trường carbon tự nguyện, cách thức định giá và tính minh bạch trong giao dịch. Chính những vấn đề phức tạp này mà COP28 vừa qua đã “lỡ nhịp” khi không thể đạt được thỏa thuận về những quy định mới cho phép triển khai thị trường giao dịch carbon giữa các nước và giữa các doanh nghiệp.
Rõ ràng hành trình tìm đường thực hiện các mục tiêu năng lượng vẫn còn khá gập ghềnh, song các quốc gia đều phải quyết tâm vượt qua, bởi những cam kết chống biến đổi khí hậu là điều không thể từ bỏ.