Theo kênh BBC (Anh), khoảng 1 tỷ người phải sống trong những khu vực như ổ chuột, chiếm 30% dân số thành thị trên thế giới. Những khu vực này thường không đầy đủ hệ thống thoát nước, thông gió và đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh dễ dàng lây lan.
Celestine Adhiambo (43 tuổi) sống tại khu ổ chuột Mukuru ở Nairobi (Kenya) cùng chồng và 6 con nhỏ. Căn nhà chỉ có một phòng của vợ chồng Adhiambo không có điện hay đường ống nước. Adhiambo cho biết: “Chúng tôi không thể cách ly bọn trẻ trong trường hợp chúng nhiễm SARS-CoV-2. Chúng tôi chẳng có không gian, không có phòng. Chính phủ nên đưa những người mắc bệnh đến bệnh viện”.
Chồng của Adhiambo là thợ mộc và trong những ngày có việc làm, ông sẽ kiếm được khoảng 400 shilling (gần 100.000 đồng). Trong khi đó, trung bình mỗi ngày gia đình Adhiambo phải dành khoảng 50 shilling chỉ để mua nước. Nhưng nguồn cung cũng khan hiếm và có những ngày họ không có nước.
Có nửa triệu người sống tại Mukuru - khu ổ chuột mà nhà thường làm từ nhựa hoặc bìa carton, còn nhà của ai khá hơn thì làm bằng tôn. Ở đây không có dịch vụ thu gom rác nên rác thải thường bị đổ thẳng xuống sông.
Một tổ chức phi chính phủ vận hành 4 trường tiểu học ở khu vực này với 7.000 học sinh. Khoảng một nửa số học sinh này không có xà phòng để dùng.
Không chỉ những khu ổ chuột mới gặp khó khăn về nước. Các thành phố như Johannesburg (Nam Phi) và Chennai (Ấn Độ) cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước trong năm 2019.
Shanthi Sasindranath – bà mẹ có hai con nhỏ sống ở ngoại ô Chennai - chia sẻ: “Nếu tình trạng thiếu nước như năm ngoái lặp lại, chúng tôi sẽ rất khó có nước sạch để rửa tay nhiều lần”.
Năm 2019, để vượt qua tình trạng thiếu nước, gia đình Shanthi Sasindranath buộc phải mua nước chưa xử lý tại các giếng nước nông nghiệp cách nơi ở hơn 50 km.
Nhưng Shanthi Sasindranath cũng nhấn mạnh: “Tôi luôn khuyên các con rửa tay thật chậm và kỹ càng. Tôi nói rằng chúng phải rửa tay bất kể khi nào về nhà, ngay cả khi chúng chỉ ra ngoài 5 phút”.
Ông Poppy Lamberton tại Đại học Glasgow (Anh) nhận định rằng các lãnh đạo địa phương cần nỗ lực hơn nữa trước khi khủng hoảng dịch bệnh xảy ra tại châu Phi.
Tại khu ổ chuột Mukuru, không có nhiều thay đổi trong những tuần gần đây. Adhiambo cảm thấy không được bảo vệ và điều duy nhất cô có thể làm là cầu nguyện Chúa trời.