Hãng Pfizer cho biết họ tự tin vào khả năng cung cấp lên tới 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu trong năm nay và 1,3 tỷ liều vào năm tới. Hãng Pfizer tuyên bố vẫn chưa có lô vaccine nào bị giữ lại hoặc bị trì hoãn. Tuần này, hãng đã chuyển thành cộng 2,9 triệu liều theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ tới các địa điểm lưu trữ vaccine.
Trước đó, trả lời phỏng vấn qua điện thoại ngày 16/12, Giám đốc điều hành chiến dịch Thần tốc của Mỹ, Tướng quân đội Gustave Perna cho biết ít nhất hai khay vaccine ngừa COVID-19 chuyển tới California bị buộc phải thay do được bảo quản ở nhiệt độ dưới -80 độ C, trong khi nhiệt độ bảo quản cần thiết là khoảng -70 độ C. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết hãng dược phẩm Pfizer đã thông báo về một số vấn đề trong quá trình sản xuất vaccine.
Chính phủ Mỹ đã ký một thỏa thuận với hãng Pfizer về việc cung cấp 100 triệu liều vaccine, vốn đã bắt đầu được phân phối trên cả nước sau khi có giấy phép sử dụng khẩn cấp.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo cơ quan này sẽ đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn tất và cấp Quyền sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với vaccine ngừa COVID-19 của Moderna sau khi một một ban tư vấn của FDA ủng hộ việc sử dụng khẩn cấp vaccine của công ty này. Dự kiến, FDA sẽ cấp EUA đối với vaccine của Moderna sớm nhất vào tối 17/12 hoặc muộn nhất vào ngày 18/12 (theo giờ Mỹ), mở thêm cơ hội ngăn chặn dịch COVID-19 vốn đang hoành hành tại nước này.
Còn tại châu Âu, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đã đẩy sớm thời điểm đưa ra quyết định về việc cấp phép cho vaccine COVID-19 của tập đoàn dược phẩm Mỹ Moderna từ ngày 12/1/2021 sang ngày 6/1/2021.
Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU) cho biết tập đoàn Moderna đã gửi những dữ liệu bổ sung trước kế hoạch, vì vậy cơ quan này "đã ấn định ngày 6/1/2021 là thời điểm tổ chức một cuộc họp đặc biệt nhằm hoàn tất đánh giá của mình, nếu có thể".
Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn nguồn thạo tin cho hay công ty dược phẩm Pfizer sẽ nộp đơn cho giới chức Nhật Bản để xin cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer-BioNTech hợp tác sản xuất, trở thành đơn vị đầu tiên cung cấp vaccine tại nước này.
Chính phủ Nhật Bản mới đây đã đạt được thỏa thuận với Pfizer về việc mua 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đủ để chủng ngừa cho 60 triệu người, gần 50% dân số nước này. Hồi đầu tháng này, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành một luật nhằm cấp kinh phí cho chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân nước này trong bối cảnh số ca lây niễm mới gia tăng. Dự kiến, vaccine của Pfizer-BioNTech sẽ được bàn giao theo lô gồm 1.000 liều, bảo quản ở nhiệt độ -75 độ C.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết đang làm việc với hãng Pfizer để xem lại tài liệu dành cho người sử dụng vacicne ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech sau khi hai nhân viên y tế tại Alaska, Mỹ có phản ứng dị ứng ngay sau khi tiêm liều vaccine này.
Theo các nhà chức trách Mỹ, một trong hai người này có phản ứng dị ứng nghiêm trọng và buộc phải nhập viện. Phó Giám đốc phụ trách vaccine của FDA, ông Doran Fink, cho biết cả hai người này đã được can thiệp y tế kịp thời và sức khỏe của cả hai đang phục hồi. Ông Fink cho biết thêm các nhà chức trách và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ đang điều tra hai trường hợp dị ứng trên, đồng thời làm việc với phía Anh để tìm hiểu rõ hai trường hợp phản ứng tương tự tại nước này.
Ông Fink nhấn mạnh phía FDA đang hợp tác với Pfizer để rà soát lại các tài liệu liên quan đến vaccine của Pfizer-BioNTech, qua đó cung cấp thông tin quan trọng cho bản chỉ dẫn giám sát và xử lý của CDC trong trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng. Bản thông tin cập nhật sẽ bao gồm cảnh báo đối với những người có tiền sử phản ứng dị ứng đối với các thành phần trong vaccine và đưa ra khuyến cáo cho trung tâm tiêm chủng cần chuẩn bị sẵn thuốc điều trị dị ứng.
Cả 2 loại vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna đều được bào chế bằng công nghệ mới, sử dụng các phân tử được gọi là "RNA thông tin" (mRNA) - một phương pháp chưa từng được chấp thuận trước đây.