Hàn Quốc sẽ cấp thị thực cho 165.000 lao động nước ngoài theo chương trình EPS

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Lao động Hàn Quốc ngày 27/11 đã tổ chức cuộc họp Ủy ban Chính sách lao động nước ngoài và công bố quyết định sẽ cấp “thị thực làm việc không chuyên nghiệp” (E-9) cho tổng cộng 165.000 lao động nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp trong nước này theo Hệ thống Giấy phép Lao động (EPS).

Chú thích ảnh
Lao động Việt Nam theo Chương trình EPS nhập cảnh Hàn Quốc tại sân bay Incheon. Ảnh minh họa: Anh Nguyên/TTXVN

Đây là số lượng lao động E-9 lớn nhất từ trước đến nay mà Chính phủ Hàn Quốc cấp phép theo chương trình EPS và các ngành mà người lao động nước ngoài có thể làm việc cũng sẽ được mở rộng, bao gồm cả ngành nhà hàng, khai thác mỏ và lâm nghiệp.

Theo lĩnh vực, quy mô cấp thị thực E-9 cho ngành sản xuất sẽ lớn nhất với 95.000 người. Tiếp theo là ngành nông nghiệp và chăn nuôi với 16.000 người; ngành dịch vụ với 13.000 người; ngành đánh bắt cá, 10.000 người; ngành xây dựng, 6.000 người; và ngành đóng tàu, 5.000 người. 20.000 thị thực còn lại được sẽ được "phân bổ linh hoạt", tức là có thể bố trí vào bất kể ngành nghề nào.

Số lượng lao động nước ngoài vào Hàn Quốc với thị thực E-9 đã tăng đều đặn từ 52.000 người năm 2021 lên 69.000 người vào năm ngoái và 120.000 trong năm nay.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng phạm vi cấp thị thực E-9 từ ngành nông nghiệp và chăn nuôi, đánh cá, sản xuất, xây dựng và một số ngành dịch vụ sang ngành nhà hàng, khai thác mỏ và lâm nghiệp vào năm tới.

Đối với ngành nhà hàng, Jeju, Sejong và 98 chính quyền địa phương đang thí điểm giới thiệu lao động nước ngoài làm phụ bếp tại các nhà hàng Hàn Quốc theo nguyên tắc tuyển dụng làm việc toàn thời gian (40 giờ một tuần). Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ xem xét quy định về tỷ lệ tuyển dụng lao động nước ngoài trong lĩnh vực nhà hàng khi số vụ đóng cửa nhà hàng có xu hướng tăng cao. Theo quy định hiện tại, doanh nghiệp có dưới 5 nhân viên làm việc toàn thời gian phải có ít nhất 7 năm hoạt động mới được phép thuê một lao động người nước ngoài, còn doanh nghiệp có từ 5 nhân viên trở lên phải có ít nhất 5 năm hoạt động kinh doanh mới được thuê 2 lao động người nước ngoài.

Trong ngành khai thác mỏ, lao động nước ngoài có thể được thuê bởi các công ty có sản lượng hàng năm từ 150.000 tấn trở lên. Còn trong ngành lâm nghiệp, lao động nước ngoài có thể được các tập đoàn lâm nghiệp quốc gia và tổng công ty sản xuất cây giống lâm nghiệp tuyển dụng.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết có kế hoạch xem xét mở rộng lĩnh vực giới thiệu lao động nước ngoài sau khi đánh giá các dự án thí điểm.

Ông Bang Ki-seon, Trưởng Văn phòng Điều phối Chính sách của Chính phủ, cho biết: "Việc tăng hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài sẽ góp phần rất lớn vào việc lấp đầy các vị trí còn trống, những công việc mà người Hàn Quốc không mấy mặn mà. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để quản lý thời gian lưu trú, bao gồm cả việc giới thiệu nhanh chóng và ổn định chỗ định cư cho người lao động nước ngoài". Ông Bang cho hay hiện tại, có nhiều ý kiến kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc cho phép bổ sung thêm lao động nước ngoài trong nhiều ngành, đặc biệt là các ngành đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát và bàn thảo tại cuộc họp Ủy ban Chính sách Lao động nước ngoài vào tháng tới.

Khánh Vân (TTXVN)
Hàn Quốc: Triển khai các biện pháp thống nhất hoạt động quản lý lao động nước ngoài
Hàn Quốc: Triển khai các biện pháp thống nhất hoạt động quản lý lao động nước ngoài

Ngày 26/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã chỉ thị Thủ tướng Han Duck-soo đưa ra các biện pháp thống nhất trách nhiệm của chính phủ trong quản lý lao động nước ngoài trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt lao động ngày một tăng ở nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN