Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tiếp nhận 27.000 lao động nước ngoài

Chiều 13/6, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ tiếp nhận khoảng 27.000 lao động nước ngoài để giải quyết vấn đề thiếu lao động, liên quan đến các ngành như xây dựng, vận tải, hàng không…  

Chú thích ảnh
Hành khách tại trạm soát vé ở nhà ga West Kowloon, Hong Kong (Trung Quốc) ngày 15/1/2023. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Phó Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong Hoàng Vĩ Luân cho biết, Chính quyền Hong Kong tham khảo kế hoạch đặc biệt của Viện dưỡng lão để xây dựng kế hoạch đặc biệt cho ngành vận tải và xây dựng, đồng thời tối ưu hóa chương trình bổ sung lao động để giảm nhẹ vấn đề thiếu hụt lao động của các ngành.     

Ông Hoàng Vĩ Luân đã công bố phương án tiếp nhận lao động nước ngoài của hai ngành, trong đó ngành xây dựng dự kiến tiếp nhận khoảng 12.000 lao động, ngành vận chuyển tiếp nhận khoảng 8.000 lao động, bao gồm khoảng 6.300 nhân viên sân bay và 2.000 tài xế xe bus du lịch và xe bus nhỏ. Do nhân viên sân bay có thể đi lại hai nơi xuyên biên giới để làm việc trong ngày, nên Chính quyền Hong Kong sẽ nới lỏng quy định chủ lao động phải sắp xếp nơi lưu trú ở Hong Kong cho người lao động. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho mọi vị trí công việc.    

Theo Cục trưởng Cục vận tải và logistics Hong Kong Lâm Thế Hùng, lưu lượng vận tải hàng không của Hong Kong tăng nhanh sau khi thông quan toàn diện, tháng Tư năm nay đạt mức 50% trước khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, theo khảo sát của cơ quan quản lý sân bay, dự kiến nhân lực của ngành hàng không Hong Kong sẽ thiếu khoảng 16.000 người vào cuối năm 2024. Trong đó 75%, tức là khoảng 12.000 vị trí việc làm tuyến đầu ở sân bay, bị bỏ trống, đặc biệt là 10 loại công việc như nhân viên mặt đất, nhân viên sân đỗ, nhân viên cabin, công nhân bảo dưỡng máy bay, nhân viên kỹ thuật…  

Chính quyền Hong Kong sẽ bắt đầu tiếp nhận đơn xin nhập khẩu lao động các công việc của ngành vận tải và xây dựng từ tháng Bảy, dự kiến cần thời gian khoảng 2 tháng để xử lý những đơn này.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục lao động và phúc lợi Hong Kong Tôn Ngọc Hàm nhấn mạnh, Chính quyền Hong Kong sẽ tối ưu hóa chương trình bổ sung lao động, tạm ngừng thực hiện quy định không nhập khẩu lao động nước ngoài đối với 26 vị trí việc làm không có tay nghề/tay nghề thấp trong thời gian 2 năm. Điều này đồng nghĩa với 26 vị trí việc làm bao gồm đại diện kinh doanh, nhân viên bán hàng, bồi bàn, lễ tân, thu ngân, đầu bếp sơ cấp, nhân viên văn phòng, nhân viên điện thoại, công nhân giặt là… sẽ có thể nộp đơn xin phép tiếp nhận lao động nước ngoài thông qua chương trình tối ưu hóa lao động bổ sung.  

Ông Hoàng Vĩ Luân cho biết, cùng với dân số Hong Kong già hóa, nhiều ngành thâm dụng nhân lực, đặc biệt là xây dựng và vận tải đều xuất hiện vấn đề thiếu lao động. Trước thực trạng thiếu lao động nghiêm trọng và bức thiết, Chính quyền Hong Kong sẽ xử lý quyết đoán, không để thiếu lao động trở thành nút thắt cổ chai cản trở sự phục hồi của Hong Kong.  

Tiếp nhận lao động nước ngoài chỉ là một trong những biện pháp để ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động. Chính quyền Hong Kong sẽ đồng thời áp dụng nhiều biện pháp khác như chủ lao động tiếp nhận lao động nước ngoài phải thanh toán chi phí đào tạo.   

Ông Hoàng Vĩ Luân nhấn mạnh, mặc dù kế hoạch tiếp nhận lao động của hai ngành nói trên không mang tính bền vững, nhưng cũng không đặt ra thời hạn. Dự kiến, hạn ngạch hơn 20.000 người này có thể sẽ sử dụng hết trong năm tới. Theo thông lệ trước đây, rất nhiều lao động bên ngoài có thể đến từ Trung Quốc Đại lục.

Thạch Bình (P/v TTXVN tại Hong Kong)
Thị trường Hong Kong dẫn dắt đà tăng của chứng khoán châu Á
Thị trường Hong Kong dẫn dắt đà tăng của chứng khoán châu Á

Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 29/3, với sự dẫn dắt của Alibaba sau khi “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc này thông báo sẽ chia tách thành sáu đơn vị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN