Theo một nghiên cứu mới của Bertelsmann/OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), Đức đang trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao nước ngoài hàng đầu, điều này sẽ khiến chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz lo lắng, vốn đang tìm cách thu hút nhiều lao động có tay nghề nước ngoài hơn để lấp đầy khoảng trống của thị trường lao động.
"Các chỉ số thu hút nhân tài" của OECD được công bố mới đây cho thấy Đức trượt từ vị trí thứ 12 năm 2019 xuống thứ 15 trong năm nay trong số 38 quốc gia OECD. Phân tích dựa trên bảy "tiêu chí" mà các tài năng nước ngoài được cho là đánh giá cao: Chất lượng cơ hội, thu nhập và thuế, triển vọng tương lai, môi trường gia đình, môi trường kỹ năng, tính toàn diện và chất lượng cuộc sống.
Nghiên cứu đã tách riêng bốn nhóm người mà các chính phủ hy vọng thu hút - các chuyên gia có trình độ cao, doanh nhân, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp và sinh viên quốc tế - và phát hiện ra rằng chỉ một trong những nhóm đó, sinh viên, là Đức được xếp hạng trong top 10 so với 4 quốc gia hàng đầu là New Zealand, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Australia, trong khi Anh và Mỹ ở vị trí thứ 7 và thứ 8.
Đức đang ngày càng gặp khó khăn trong việc giữ càng nhiều công nhân nước ngoài có tay nghề cao ở lại nước này, vì sự thay đổi nhân khẩu học nguy cơ khiến hàng triệu việc làm không được lấp đầy trong thập kỷ tới. Thế hệ lao động sinh ra trong giai đoạn 1945-1964, chiếm phần lớn trong lực lượng lao động hiện tại, dự kiến sẽ nghỉ hưu hoàn toàn vào năm 2035.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Việc làm (IAB), một bộ phận của Cơ quan Việc làm Liên bang Đức, nước này cần 400.000 người nhập cư vào nước này mỗi năm để lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động.
Nhưng thuyết phục mọi người đến Đức làm việc chỉ là một phần của giải pháp, theo Paul Becker, một nhà khoa học xã hội tại viện nghiên cứu Minor ở Berlin. “Để có một chiến lược lao động lành nghề thành công, điều quan trọng là phải đảm bảo không chỉ có nhiều người nhập cư hơn mà còn đảm bảo những công nhân lành nghề không rời đi", ông Becker nêu rõ, chỉ ra rằng hầu hết những người đến Đức làm việc đều rời đi chỉ sau ba hoặc bốn năm.