Trong báo cáo trình lên Quốc hội, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ - Triều tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên hôm 30/6 vừa qua. Báo cáo nhấn mạnh sẽ nỗ lực "đảm bảo xu hướng tích cực trên Bán đảo Triều Tiên mà cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đem lại sẽ đưa tới những cải thiện trong mối quan hệ liên Triều".
Tài liệu trên cũng cho biết Bộ Thống nhất sẽ tìm kiếm các biện pháp sáng tạo để cải thiện quan hệ liên Triều trong khi tiếp tục nỗ lực thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo hai bên đã đạt được hồi năm ngoái.
Cũng theo bộ trên, Triều Tiên dường như đã nhất trí với đề nghị tiến hành cuộc gặp với Tổng thống Trump nhằm nêu bật vị thế chính trị của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong và ngoài nước, cũng như tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân.
Báo cáo đã viện dẫn sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều - Mỹ tại DMZ. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Triều Tiên được cho sẽ đảm nhận vai trò dẫn đầu trong các cuộc thảo luận sắp tới. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được nối lại vào giữa tháng 7.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha khẳng định mục tiêu của Seoul trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên không gì khác ngoài thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn, giữa lúc xuất hiện đồn đoán rằng Mỹ có thể cân nhắc biện pháp đóng băng hạt nhân.
Trả lời trước câu hỏi của giới lập pháp về việc liệu chính phủ có ủng hộ nếu Mỹ hướng tới việc phong tỏa hạt nhân Triều Tiên tại cuộc họp của Quốc hội, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha nêu rõ: "Phi hạt nhân hóa hoàn toàn rõ ràng là lập trường của Chính quyền chúng ta". Bà cũng cho rằng sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ, nhấn mạnh "chúng tôi cũng đã xác nhận qua cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Mỹ lần này rằng chúng tôi có chung (mục tiêu) phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
Trước đó, tờ New York Times của Mỹ đã đăng bài viết về khả năng một thỏa thuận đóng băng các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên sẽ ra đời nhờ sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Theo báo này, khái niệm phong tỏa hạt nhân, đang định hình trong chính quyền của Tổng thống Trump nhiều tuần nay, "về bản chất duy trì hiện trạng và ngầm chấp nhận Triều Tiên là một nước hạt nhân".
Nhiều quan chức Mỹ hy vọng ý tưởng đóng băng chương trình hạt nhân là bước đầu tiên hướng tới một thỏa thuận toàn diện hơn để nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã chỉ trích thông tin trên, khẳng định "không ai trong Hội đồng An ninh quốc gia hay tôi từng thảo luận hay nghe thấy về mong muốn đi đến thỏa thuận đóng băng hạt nhân với Triều Tiên". Ông coi đây là một "nỗ lực đáng chê trách" nhằm gây khó khăn cho Tổng thống Donald Trump.
Diễn biến trên diễn ra sau khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh tại DMZ chiều 30/6. Trong cuộc họp này, hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân bị đình trệ từ đầu năm nay.