Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản đối thoại để giải quyết GSOMIA

Ngày 25/11, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon đã kêu gọi Nhật Bản tiến hành "các cuộc thảo luận chân thành" nhằm tìm ra giải pháp cho bất đồng song phương sau khi Seoul quyết định gia hạn Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Tokyo.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong phát biểu tại một hội nghị tổ chức tại Tokyo có sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp của cả hai nước, Thủ tướng Lee Nak Yon nêu rõ: "Cần tổ chức các cuộc thảo luận chân thành nhằm tìm ra giải pháp toàn diện cho vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước". Hội nghị này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Seoul quyết định gia hạn GSOMIA với Nhật Bản, tập trung thảo luận về cải thiện quan hệ song phương và cách thức tăng cường thông tin liên lạc ở khu vực tư nhân. Tham dự hội nghị là các thành viên các ủy ban xúc tiến hợp tác song phương của mỗi nước.  

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đồng thời là chủ tịch ủy ban của Nhật Bản đã kêu gọi Hàn Quốc "thực hiện cam kết giữa hai nước", ý nói tới thỏa thuận được hai nước ký năm 1965 về bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới II. . 

Trong một thông báo riêng rẽ, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc hiện đóng vai trò quan trong hơn bao giờ hết để giải quyết những vấn đề liên quan tới Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: "Điều cần thiết là xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai". 

Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường cho lao động thời chiến đã được giải quyết theo một thỏa thuận ký năm 1965, theo đó Tokyo bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính 500 triệu USD. 
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á này leo thang kể từ tháng 10/2018 khi tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới II. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Đáp lại, Hàn Quốc thông báo quyết định không gia hạn GSOMIA được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc kỳ năm 2016 với Nhật Bản.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi GSOMIA hết hiệu lực, ngày 22/11, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn GSOMIA kèm theo một số điều kiện. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hiện chưa thể đánh giá được động thái trên của Hàn Quốc vì chưa rõ các điều kiện mà Seoul sẽ đưa ra.

Minh Châu (TTXVN)
Hàn Quốc cân nhắc tái chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản
Hàn Quốc cân nhắc tái chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản

Chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ cân nhắc khôi phục hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản, nếu Tokyo rút lại những hạn chế xuất khẩu với Seoul.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN