Tại Hội nghị Điều phối chiến lược đối ngoại, quy tụ các quan chức chính phủ và học giả để thảo luận các chiến lược chính sách, bà Kang nhấn mạnh tình hình hiện nay bất trắc "hơn bao giờ hết" về ngoại giao, đồng thời thúc đẩy một loạt nhiệm vụ chính sách như hợp tác đoàn kết với "tất cả" các nước láng giềng và theo đuổi chính sách kiên định dựa trên lợi ích quốc gia và luật lệ.
Bà khẳng định: "Để ứng phó với thách thức mới đến từ sự thay đổi trên chính trường quốc tế, cần một chiến lược phá khung, mang tính vĩ mô và đa phương trong vấn đề còn tồn tại, hơn là chiến lược một chiều". Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc, cần tiến hành chính sách ngoại giao mang tính phòng vệ, chủ động, có thể phát hiện các cơ hội tiềm ẩn trong các thách thức và cuộc khủng hoảng, cũng như tối ưu hóa các cơ hội đó.
Ngoại trưởng Kang ghi nhận tính dễ tổn thương về địa chính trị của Bán đảo Triều Tiên vì bị bao quanh bởi các cường quốc, song bà bày tỏ hy vọng rằng các nỗ lực hòa bình hiện nay với Triều Tiên sẽ giúp biến những điều dễ bị tổn thương thành "sức mạnh". Theo Ngoại trưởng Kang" nếu sự tồn tại hòa bình của hai miền Triều Tiên và rộng hơn là một Bán đảo Triều Tiên thống nhất trở thành hiện thực, đây sẽ là nhấn tố địa chính trị thay đổi cuộc chơi".
Ngoại trưởng Kang đưa ra 3 định hướng chính sách, đứng đầu trong số đó là đảm bảo "không gian hành động chiến lược" cho ngoại giao của Hàn Quốc bằng cách tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, để "tạo ra chu kỳ đúng, trong đó hợp tác mở rộng với một quốc gia sẽ dẫn tới tăng cường hợp tác với một nước khác". Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên định về chính sách đối ngoại trong các trường hợp ngoại giao đặc biệt nhằm tạo lòng tin quốc tế lớn hơn và tăng cường tính dễ dự báo đối với ngoại giao của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, bà kêu gọi ngoại giao kinh tế "mang tính chiến lược" để bảo vệ người dân và doanh nghiệp của Hàn Quốc ở nước ngoài và giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của đất nước trong tương lai.
Hội nghị Điều phối chiến lược đối ngoại đã được khởi động từ tháng 7 vừa qua nhằm thảo luận các chiến lược chính sách trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến thương mại, an ninh hàng hải và nhiều vấn đề khác. Cuộc họp thứ hai trong khuôn khổ hội nghị trên đã có sự tham gia của 60 quan chức, học giả và chuyên gia, cùng nhau tìm cách đối phó với các thách thức ngoại giao xuất phát từ một sự cộng hưởng giữa cạnh tranh chiến lược và đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.