Khoản ngân sách trên tăng 9,3% so với năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự thảo ngân sách tăng hơn 9%. Trong đó, ngân sách chi cho nghiên cứu và phát triển dự kiến 24.100 tỷ won (19,8 tỷ USD), tăng 17,3% so với năm 2019. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong một thập kỷ.
Chi tiêu này tập trung vào việc nội địa hóa các nguyên liệu công nghiệp quan trọng, các linh kiện, thiết bị để giảm sự phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, đồng thời đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, y sinh, phương tiện trong tương lai và mạng lưới Internet 5G.
Đặc biệt, ngân sách dự kiến cho quốc phòng là 50.200 tỷ won (41,2 tỷ USD) tập trung tăng năng lực phòng vệ trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên chi tiêu quốc phòng nước này vượt mốc 50.000 tỷ won. Khoản ngân sách này được đề xuất trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang sau khi Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ phóng tên lửa từ ngày 25/7 vừa qua.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn dành 5.500 tỷ won (4,52 tỷ USD) cho các dự án hợp tác liên Triều, các nỗ lực ngoại giao, và các chương trình hỗ trợ các nước đang phát triển, tăng 9,2% so với năm 2019.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki nhận định trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, cùng với việc Nhật Bản siết chặt xuất khẩu các vật liệu quan trọng, nền kinh tế Hàn Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng 2,4-2,5%.
Thâm hụt ngân sách dự báo sẽ ở mức 3,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gần gấp đôi so với mức 1,9% trong năm 2019. Bộ này đã lên kế hoạch phát hành số trái phiếu trị giá 60.200 tỷ won (49,5 tỷ USD) để bù đắp thâm hụt. Trong khi đó, tỷ lệ nợ công trên GDP dự kiến sẽ tăng từ 37,1% lên 39,8%.
Tháng 6 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc đã tăng lên 4%, mức cao nhất trong tháng 6 kể từ năm 1999. Trước tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc quyết định chi 25.800 tỷ won (21,2 tỷ USD) để tạo thêm việc làm, tăng 21,3% so với năm 2019.
Cũng theo dự thảo ngân sách, 23.900 tỷ won (19,7 tỷ USD) sẽ được dành để thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nội địa. Ngân sách cho lĩnh vực y tế, phúc lợi và lao động cũng tăng 12,8% lên 181.600 tỷ won (149,3 tỷ USD), trong khi lĩnh vực giáo dục sẽ nhận 72.500 tỷ won (59,6 tỷ USD), tăng 2,6% so với năm 2019.