Nhận định trên được người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun đưa ra ngày 12/3 trong cuộc họp báo thường kỳ.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Phát biểu với báo giới, ông Baik Tae-hyun khẳng định Seoul không thấy hay nhận được phản hồi chính thức từ Triều Tiên liên quan kế hoạch tổ chức cuộc gặp cấp cao Triều-Mỹ. Theo ông, Bình Nhưỡng dường như đang tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng và họ cần thời gian để định hình quan điểm.
Trên thực tế, truyền thông chính thức Triều Tiên đã nhấn mạnh chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Hàn Quốc diễn ra tuần trước, song lại không đăng tải thông tin liên quan việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề nghị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ngày 10/3, tờ Chosun Sinbo - một tờ báo ủng hộ Triều Tiên ở Nhật Bản đã đăng tin về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến, song đã xóa nội dung này sau đó 1 ngày.
Ông Baik Tae-hyun cho biết hiện Seoul đang nỗ lực thành lập một ủy ban chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, dù hai bên vẫn chưa khởi động các cuộc tham vấn cấp chuyên viên. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh thứ 3 giữa hai miền Triều Tiên kể từ năm 2000.
Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết chính phủ có thể phải từ chối đề nghị của các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong tới thăm khu công nghiệp vốn bị đóng cửa từ tháng 2/2016 này. Theo ông Baik Tae-hyun, Seoul chia sẻ với các doanh nghiệp về sự cần thiết của việc đến thăm các nhà máy tại khu công nghiệp chung Kaesong - vốn được ca ngợi là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai miền. Tuy nhiên, phía Triều Tiên vẫn chưa đưa ra hồi đáp dù rằng đã có các bước đi cần thiết như Bình Nhưỡng đang gửi lời mời về chuyến đi này. Hạn chót để Chính phủ Hàn Quốc hoàn thành việc xem xét đề nghị này là vào ngày 14/3.
Cũng trong ngày 11/3, Realmeter đã công bố kết quả thăm dò ý kiến đối với 500 người Hàn Quốc, theo đó, nhiều người hoan nghênh sự thay đổi hướng tới tương lai trong thái độ của Triều Tiên gần đây, song mức độ không tin tưởng đối với Bình Nhưỡng vẫn rất cao.
Theo cuộc khảo sát được tiến hành hôm 9/3 sau khi Tổng thống Donald Trump chấp nhận đề nghị gặp của nhà lãnh đạo Triều Tiên, khoảng 73,1% số người được hỏi hoan nghênh những tiến triển bất ngờ gần đây giữa 2 miền, trong đó có việc nhà lãnh đạo Triều Tiên nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng 4 và đề nghị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, khoảng 63% số người hoan nghênh việc Triều Tiên thay đổi thái độ.
Tuy nhiên, khoảng 45,7% cho biết không tin tưởng việc Triều Tiên bày tỏ sẵn sàng phi hạt nhân hóa, chỉ có 27,4% số người tham gia khảo sát tin tưởng cam kết này của Triều Tiên và hoan nghênh đề nghị hòa bình của Bình Nhưỡng, trong khi 18,4% cho rằng họ không bao giờ tin tưởng vào Triều Tiên cũng như không hoan nghênh những tiến triển gần đây.
Cùng ngày, đảng Hàn Quốc tự do (LKP) đối lập chính cũng bày tỏ quan ngại khi cho rằng đã có sự "lạc quan thiếu cơ sở" về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, viện dẫn dường như thỏa thuận tiến hành cuộc gặp trên đạt được dựa trên những quyết định "vội vàng" và "tức thời" của 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Theo LKP, vẫn còn những điều khó có thể đoán định, vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc cần quản lý tốt tình huống thay vì thái độ lạc quan thuần túy.
Còn đảng đối lập nhỏ hơn Bareunmirae kêu gọi Seoul cần đảm bảo rằng trong các cuộc hội đàm với Bình Nhưỡng, Washington sẽ thúc đẩy đạt 3 mục tiêu chính gồm: Phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, mối liên minh Hàn-Mỹ vững chắc và việc duy trì các biện pháp trừng phạt cũng như sức ép đối với Triều Tiên.
Về phần mình, đảng Dân chủ cầm quyền đã kêu gọi các phe phái hợp tác để chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều. Lãnh đạo đảng này nhấn mạnh "thái độ hoài nghi giữa các đảng cầm quyền và đối lập không hề giúp ích cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", đồng thời đề xuất thành lập một ủy ban đặc biệt hỗ trợ chính phủ chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh.