Hàn Quốc: Đại học có thể đánh trượt thí sinh có tiền sử bạo lực học đường

Từ năm 2026, những học sinh có tiền sử bạo lực học đường sẽ bị xem xét hồ sơ khi đăng ký tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc.

Chú thích ảnh
Các học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh tại một trường đại học ở Seoul. Ảnh: Yonhap

Theo hãng thông tấn Yonhap, biện pháp này là một phần trong hướng dẫn tuyển sinh đại học mới được Hội đồng Giáo dục Đại học và Bộ Giáo dục Hàn Quốc cùng công bố nhằm giải quyết tận gốc bạo lực trong học sinh sinh viên.

Bước đi này cũng phù hợp với một loạt biện pháp chống bạo lực học đường khác đã được phê duyệt trong cuộc họp chính phủ vào tháng 4 do Thủ tướng Han Duck-soo chủ trì sau khi văn phòng tổng thống hủy bỏ việc bổ nhiệm giám đốc điều tra quốc gia mới liên quan đến hành vi bắt nạt học đường của con trai ông này.

Theo quy định mà hội đồng công bố ngày 30/8, các trường đại học phải có các biện pháp kỷ luật đối với những học sinh nộp hồ sơ vào trường nhưng có hành vi bạo lực học đường trước đó.

Biện pháp này được áp dụng cho hầu hết tất cả các quy trình tuyển sinh, bao gồm cả quy trình tuyển sinh thông thường qua kì thi kiểm tra năng lực hàng năm do chính phủ quản lý. Tuy nhiên, mỗi trường đại học sẽ được tự quyết định phương thức áp dụng quy định mới này trong quá trình sàng lọc học sinh. Các trường đại học có thể đánh trượt hoặc có những hình phạt khác nhau những sinh viên có tiền sử bạo lực học đường tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo lực.

Trước đó, những kẻ bắt nạt học đường tại Hàn Quốc một khi ra trường sẽ không bị lưu trong hồ sơ tiền sử hành vi bạo lực. Tuy nhiên, điều này đã gây khó khăn cho các nhà chức trách khi muốn theo dõi và giải quyết vấn đề bạo lực học đường. Từ tháng 3/2023, Bộ Giáo dục Hàn Quốc quy định tất cả trường học đều phải giữ hồ sơ vi phạm 2 năm sau khi học sinh đó ra trường. Bạo lực học đường được chia ra làm 9 mức độ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Vi phạm mức 9, là mức nghiêm trọng nhất, sẽ dẫn đến hình phạt bị đuổi học.

Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề gây nhức nhối đối với xã hội Hàn Quốc. Giới chuyên gia nhận định tại quốc gia còn đang bị ám ảnh bởi giáo dục, nơi trẻ em có thể dành tới 16 giờ mỗi ngày tại trường học và lớp học thêm, tình trạng bắt nạt vẫn phổ biến, bất chấp những nỗ lực nhằm dập tắt nó.

Dữ liệu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy bạo lực bằng lời nói chiếm 42% tổng số vụ bạo lực học đường sau khi các trường học mở cửa trở lại sau dịch COVID-19. Tấn công thân thể đã tăng từ 10,7% trong giai đoạn 2013-2020 lên 13,3% vào năm 2022. Bắt nạt qua mạng cũng được ghi nhận là có chiều hướng gia tăng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Yonhap)
'Hakpok #MeToo' - Phong trào vạch trần bạo lực học đường tại Hàn Quốc
'Hakpok #MeToo' - Phong trào vạch trần bạo lực học đường tại Hàn Quốc

Từng bị bắt nạt thời còn đi học - bị bạn giấu kim trong giày, bị đá vào bụng - nay Pyo Ye-rim, một thợ làm tóc 26 tuổi ở Hàn Quốc, đã lên tiếng khi tham gia phong trào "Hakpok #MeToo".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN