Bộ phim The Glory xoay quanh hành trình trả thù đầy kịch tính của một giáo viên tiểu học, người đã từng bị bạn bè bắt nạt, thậm chí tra tấn dã man khi còn học trung học. Nạn nhân đã bị bạn cùng lớp dùng máy duỗi tóc kẹp bỏng rát cánh tay và lấy kim băng cào vào ngực.
Cảnh bạo lực ám ảnh được miêu tả trong phim dựa trên câu chuyện có thật ở một trường trung học nữ sinh tại Cheongju, tỉnh Chungcheong Bắc, hồi năm 2006. Khi đó, nạn nhân thường xuyên bị bạn cùng lớp dùng máy uốn tóc kẹp vào vùng ngực, túm tóc, cào mạnh vào tay đến khi ứa máu. Điều đáng nói là nhà trường chỉ đưa những kẻ bắt nạt vào diện theo dõi để ngăn chặn hành vi phạm tội trong tương lai, song không có hành động nào khác. Dù đã 17 năm trôi qua, nhưng vết thương lòng của nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 2004, Hàn Quốc đã ban hành đạo luật đặc biệt về ngăn chặn nạn bạo lực học đường. Sau đó, nước này cũng thành lập các ủy ban tại các trường phổ thông trên cả nước để giám sát vấn nạn này. Kể từ đó, những hành vi bạo lực này đã được giám sát bởi chính quyền nhà trường.
Vấn nạn vẫn nhức nhối
Tuy nhiên, trong các trường hợp thương tâm, một số nạn nhân đã tự sát và những kẻ bạo lực đã thoát tội mà không nhận được bất kỳ hình phạt thích đáng nào. Các nạn nhân nói rằng họ không tin tưởng Ủy ban Ngăn chặn bạo lực học đường – cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp và đưa ra hình phạt cho thủ phạm.
Gần đây, trách nhiệm của các Ủy ban Ngăn chặn bạo lực học đường lại một lần nữa khiến dự luận hoài nghi. Ông Chung Sun-sin - người được bầu làm Chánh Văn phòng Điều tra Quốc gia, chịu trách nhiệm chỉ huy các đội cảnh sát điều tra trên toàn quốc - đã từ chức chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm vào ngày 24/2. Có thông tin cho rằng con trai của ông Chung từng bắt nạt bạn cùng phòng ở ký túc xá vào năm 2017, khi đang theo học tại một trường trung học tư thục.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là sau khi con trai bị Ủy ban Ngăn chặn bạo lực học đường buộc tội và yêu cầu chuyển đến một ngôi trường khác, ông Chung, 57 tuổi, đã từ chối thừa nhận hành vi sai trái của con mình. Sau đó, ông kháng cáo lên ủy ban giảm nhẹ trường học tỉnh Gangwon và khởi kiện vụ việc lên Tòa án Tối cao. Một năm sau, ông đã thua kiện.
Sau khi ông Chung từ chức, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã yêu cầu Bộ giáo dục Hàn Quốc xử lý triệt để nạn bạo lực học đường. Ông nói: “Bạo lực học đường nên bị ‘xóa sổ’ khỏi tất cả các trường học”. Trong khi đó, Bộ giáo dục cho biết giới chức sẽ lên kế hoạch về giải pháp trong tháng này.
Hệ thống kém hiệu quả
Một trong những vấn đề lớn nhất khiến các Ủy ban Ngăn chặn bạo lực học đường ở Hàn Quốc hoạt động kém hiệu quả là hầu hết các thành viên của ủy ban đều không có chuyên môn pháp lý.
Gần một nửa số thành viên của ủy ban là phụ huynh học sinh. Các giáo viên và quan chức chính phủ từ các văn phòng giáo dục địa phương cũng hiện diện trong các ủy ban. Trong mỗi ủy ban thường có khoảng 10 thành viên, nhưng chỉ có 2 hoặc 3 người là chuyên gia pháp lý, như luật sư.
Ông Park Keun-byeong, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên trường học Seoul, nói với The Korea Times: “Nhiều chuyên gia pháp lý thậm chí không thường xuyên tham dự các cuộc họp của ủy ban, vì đây là công việc không được trả lương. Họ thường bận rộn với công việc hàng ngày. Chưa kể, mỗi ủy ban thường chỉ có rất ít thành viên”.
Tất cả các trường học ở Seoul đều từng có Ủy ban Ngăn chặn bạo lực học đường. Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng các ủy ban này quá thiếu chuyên nghiệp do không có chuyên gia pháp lý.
Các ủy ban cũng đã sa thải nhiều giáo viên khỏi chuyên môn của họ, bằng cách lôi kéo họ vào việc giải quyết các trường hợp bạo lực học đường. Vào năm 2021, Bộ Giáo dục đã chuyển các ủy ban này đến các văn phòng giáo dục địa phương ở các thành phố đô thị. Tại thủ đô Seoul, có 11 ủy ban trực thuộc Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul. Cả nước có 176 ban. Tính đến năm 2021, ủy ban có tổng số 5.800 thành viên.
Kể từ đó, nạn nhân của bạo lực học đường phải báo cáo những hành vi bắt nạt với nhà trường, và vấn đề chỉ được xử lý nội bộ. Chỉ khi sự việc quá lớn, nhà trường mới báo cáo cho các ủy ban.
Một vấn đề khác, các quyết định của ủy ban này thiếu thẩm quyền pháp lý. Đây chính điểm yếu để những kẻ bắt nạt và người giám hộ của họ lợi dụng để phản đối các quyết định và đưa vấn đề ra tòa.
Chiến lược của họ chính là kéo dài vụ kiện cho đến khi hành vi bắt nạt không bị ghi vào học bạ. Điều đó sẽ không cản trở quá trình tuyển sinh đại học của học sinh. Ngày nay, thậm chí không khó để tìm các quảng cáo trực tuyến về luật sư hỗ trợ những kẻ bắt nạt trong các vụ kiện pháp lý và giúp họ nhận mức hình phạt thấp nhất, thậm chí là thoát tội.
Ông Park nói: “Những kẻ bắt nạt vô cùng nhạy cảm với việc hành vi bắt nạt của họ bị ghi trong học bạ. Họ sẽ kéo dài vụ án cho đến khi tốt nghiệp và vào đại học, xóa sạch những hành vi phạm tội. Tôi đã chứng kiến ngày càng nhiều kẻ bắt nạt lạm dụng hệ thống tư pháp như vậy gần đây.”
Theo ông, khi các vụ kiện đang diễn ra, nạn nhân và kẻ bắt nạt - thường là bạn cùng lớp - vẫn học cùng lớp mà không bị tách khỏi nhau, điều này càng khiến nạn nhân bị dày vò.
“Bộ giáo dục đã bỏ qua lỗ hổng đó và không có bất kỳ hành động nào để xử lý sự việc”, ông Park nói.
Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng nếu Hàn Quốc muốn ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường bằng các hình phạt nghiêm khắc hơn dựa trên quyết định của ủy ban, giới chức nên bố trí nhiều thành viên ủy ban đủ tiêu chuẩn hợp pháp hơn.
Các trường học ở Mỹ được biết đến với lập trường “không khoan nhượng” với hành vi bao lực học đường và có hỗ trợ lớn cho các nạn nhân. Theo báo cáo, cứ 4 giáo viên của trường thì có 1 người là cố vấn học đường. Các vụ việc nghiêm trọng sẽ cần có sự can thiệp của chính quyền bang. Cả trường học và các cấp chính quyền khác nhau đều kiên quyết trừng phạt những kẻ bắt nạt.
Còn tại Nhật Bản các trường học đã kiểm soát chặt chẽ hơn vấn nạn bạo lực học đường. Các trường hợp nghiêm trọng liên quan đến bạo lực sẽ do cảnh sát xử lý.