Trong ngày 3/6, một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ lớn ở phía Nam thủ đô Seoul thông báo trên trang web của mình rằng máy chủ của họ đã bị tấn công bằng mã độc tống tiền và tin tặc dường như đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của bệnh nhân. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt vụ cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền được báo cáo gần đây - một chiến thuật được bọn tội phạm mạng sử dụng để xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp và dùng dữ liệu của họ để đòi tiền chuộc.
Theo Bộ Khoa học và công nghệ thông tin Hàn Quốc, trong năm ngoái đã xảy ra 127 vụ tấn công bằng mã độc tống tiền, tăng gấp 3 lần so với năm liền kề trước đó. Tính từ đầu năm tới nay, nước này đã ghi nhận 65 vụ tấn công bằng mã độc tốc tiền.
Các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền đã nhằm vào các doanh nghiệp khác nhau tại Hàn Quốc. Tháng trước, hoạt động của công ty giao đồ ăn Super Hero đã bị tê liệt trong nhiều giờ sau một vụ tấn công, ảnh hưởng đến 15.000 nhân viên giao hàng trên toàn quốc. Tháng 11 năm ngoái, tập đoàn bán lẻ và thời trang địa phương E-Land cũng đã bị tin tặc "hỏi thăm", buộc 23 trong số 50 chi nhánh của NC Department Store và NewCore Outlet phải tạm dừng hoạt động.
Ông Kim Seung-joo, Giáo sư an ninh mạng thuộc Đại học Hàn Quốc, nhận định trong bối cảnh các công ty buộc phải lựa chọn tăng cường phụ thuộc vào làm việc từ xa trong đại dịch, các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền đã trở thành mối đe dọa lớn hơn bởi chúng có thể làm tê liệt toàn bộ hệ thống làm việc. Điều này đã khiến nhiều công ty phải trả tiền chuộc và càng khiến tin tặc thực hiện nhiều vụ tấn công hơn. Ông hối thúc các doanh nghiệp đầu tư vào an ninh mạng nhằm ngăn chặn mối đe dọa ngay từ đầu.
Nhằm ứng phó với các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền trong thời gian tới, tháng trước, Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc đã thành lập một nhóm giám sát 24/24 để hỗ trợ các công ty bị tấn công. Chính phủ hiện cung cấp hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng khôi phục hệ thống.