Kênh CNN đưa tin ông Tony Lambert, nhà phân tích tại Red Canary cho biết mã độc mang tên Silver Sparrow (Sẻ bạc) không hề thể hiện các hành vi mà những phần mềm quảng cáo thông thường hay nhắm vào hệ thống macOS. Hiện chưa xác định được mục tiêu của mã độc bí ẩn này là gì.
Qua phân tích, Silver Sparrow có cơ chế tự hủy và vẫn chưa được sử dụng đến. Điều gì sẽ kích hoạt cơ chế trên chính là điều các chuyên gia đang băn khoăn.
Đáng chú ý, Silver Sparrow chứa mã code chạy nguyên bản trên chip M1 nội bộ của Apple vừa phát hành tháng 11/2020. Theo trang tin Ars Technica, nó chính là phần mềm độc hại thứ hai được biết đến có chứa mã code như vậy.
Nhóm nhà nghiên cứu Red Canany công bố: "Mặc dù chúng tôi chưa quan sát thấy Silver Sparrow truyền dữ liệu độc hại, nhưng dựa trên khả năng tương thích với chip M1, phạm vi tiếp cận toàn cầu và tỷ lệ lây nhiễm tương đối cao cho thấy Silver Sparrow là một mối đe dọa nghiêm trọng".
Theo dữ liệu từ website Malwarebytes chuyên ngăn chặn những vụ tấn công bằng mã độc, tính đến ngày 17/2, Silver Sparrow đã lây nhiễm cho các máy tính MacBook tại 153 quốc gia, với tỷ lệ đặc biệt cao ở Anh, Mỹ, Canada, Pháp và Đức.