Theo nguồn tin giấu tên này, những bước đi của Tokyo đi ngược lại những nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), song Seoul muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Nguồn tin cũng cho biết, nếu chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn tiến tới việc loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng", thì quyết định này sẽ gây ra "một loạt vấn đề nghiêm trọng".
Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki nêu rõ việc Nhật Bản cắt đứt đối thoại với Hàn Quốc vốn khiến tình hình trở nên xấu hơn sẽ hoàn toàn không mang lại lợi ích cho cả hai nước cũng như nền kinh tế thế giới.
Trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ sớm công bố đối sách tổng hợp đối với các ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện, trang thiết bị, đồng thời nỗ lực tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế để giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét phương án hỗ trợ đầu tư nghiên cứu phát triển cho doanh nghiệp thông qua ưu đãi về thuế, miễn quy trình nghiên cứu tính khả thi dự án nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng năng lực về thiết bị.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc công bố sẽ bổ sung thêm 120 tỷ won (hơn 100 triệu USD) vào dự thảo ngân sách bổ sung năm nay, song quy mô này có thể sẽ được tăng thêm trong quá trình thẩm định tại Quốc hội.
Kể từ ngày 4/7 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh và chip sang thị trường Hàn Quốc. Theo đó, các công ty Nhật Bản sẽ phải nộp đơn xin giấy phép cho từng hợp đồng xuất khẩu 3 mặt hàng hóa chất nêu trên sang Hàn Quốc.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua sau một loạt phán quyết của tòa án Hàn Quốc vào cuối năm 2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.