Quân đội Ai Cập xác nhận rằng một lính biên phòng đã thiệt mạng tại cửa khẩu biên giới Rafah hôm 27/5. Vụ việc này kéo theo nhiều rủi ro với mối quan hệ giữa Ai Cập và Israel.
Tình huống dẫn đến vụ việc nổ súng xuyên biên giới này vẫn chưa được làm rõ. Hiện chưa có thông tin về bên đã nổ súng trước. Quân đội Israel ghi nhận không có thương vong trong lực lượng. Bên cạnh đó, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết đây là “tai nạn” ở biên giới.
Đáng chú ý, cuộc không kích của Israel vào phía Tây Bắc thành phố Rafah của Gaza đã khiến dư luận quốc tế lên án. Israel thừa nhận cái chết đã có hàng chục người Palestine thiệt mạng trong cuộc không kích. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong bài phát biểu trước Quốc hội Israel (Knesset) gọi diễn biến này là “một sai lầm bi kịch”.
Các lãnh đạo Israel cho biết họ vẫn đang điều tra cả hai vụ việc. Trong sự cố nổ súng ở biên giới, IDF cho biết vẫn đang thảo luận với Ai Cập mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Trong khi đó, Israel cho biết cuộc không kích vào hôm 26/5 tại Rafah dựa trên "thông tin tình báo chính xác" và đã tiêu diệt được hai quan chức cấp cao của Hamas.
Tuy nhiên, nhiều chính phủ trên khắp thế giới đã lên án Israel về vụ tấn công. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã giận dữ, trong khi Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói rằng ông đã thấy khiếp sợ. Nhà Trắng bày tỏ rằng hình ảnh người dân thường vô tội thiệt mạng trong cuộc tấn công là “ rất đau lòng”.
Trong khi đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định: “Israel có quyền truy lùng Hamas và chúng tôi hiểu rằng cuộc tấn công này đã tiêu diệt hai nhân vật cấp cao của Hamas, những kẻ chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công nhằm vào người dân Israel. Nhưng như chúng tôi đã nói rõ, Israel phải thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ người dân thường”.
Quân đội Israel đã triển khai hoạt động xung quanh vùng ngoại ô Rafah, nằm ở phía Nam Gaza, từ đầu tháng 5. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ tấn công Rafah bởi đây là thành trì cuối cùng của Hamas.
Nhiều người bày tỏ quan ngại về nguy cơ nhiều người dân thường Palestine thiệt mạng ở Rafah và đã kêu gọi Israel hủy bỏ hoặc giảm cuộc tấn công để ngăn chặn tổn hại đến người vô tội. Nhà Trắng ngày 27/5 tuyên bố đang phối hợp với IDF và các đối tác trong khu vực để đánh giá rõ hơn những gì đã xảy ra.
Mỹ và các nước khác cũng bày tỏ quan ngại về việc Israel tấn công Rafah, làm xấu đi mối quan hệ với Ai Cập. Hai quốc gia này đã ký một thỏa thuận hòa bình vào năm 1979, được coi là rất quan trọng đối với an ninh của Israel. Ai Cập đã lên tiếng mạnh mẽ về cuộc chiến ở Gaza và liên tục kêu gọi Tel Aviv đồng ý ngừng bắn.
Trong nhiều thập niên, Ai Cập đóng vai trò trung gian hòa giải hàng đầu trong các cuộc đàm phán, thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Hamas và Israel. Cairo hiện là địa điểm tổ chức nhiều vòng đàm phán giữa các quan chức Israel và lực lượng Hamas trong nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Cuộc tấn công trên bộ vào Rafah có nguy cơ tăng áp lực buộc người dân Gaza phải sơ tán đến Sinai của Ai Cập. Đây là diễn biến mà các quan chức Ai Cập coi là vượt qua ranh giới đỏ.
Khoảng 1,4 triệu người Palestine di tản trong Gaza đã bị đẩy vào Rafah rộng 64 km2 nằm ở biên giới với Ai Cập. Họ không còn nơi nào để đi trong bối cảnh thiếu lương thực, nước uống và thuốc men.