Cơ chế phối hợp đặc biệt
Theo kênh CNN, ngày 19/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một loạt ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ đã công bố cơ chế phối hợp đặc biệt để cải thiện khả năng tiếp cận thanh khoản của các ngân hàng, qua đó xoa dịu những lo lắng đang gây xáo trộn hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Trong một tuyên bố chung, các ngân hàng trung ương trên cho biết để cải thiện hiệu quả hoạt động hoán đổi tiền tệ bằng đồng USD, các thể chế tài chính đang cung cấp các hoạt động bằng đồng tiền này đã nhất trí sẽ thực hiện hoạt động đáo hạn 7 ngày trên cơ sở hằng ngày thay vì hằng tuần như hiện nay. Theo tuyên bố, biện pháp này sẽ giúp các ngân hàng trung ương ngoài Mỹ tiếp cận nhiều hơn với đồng USD.
Hoán đổi tiền tệ là khuôn khổ thỏa thuận giữa các ngân hàng trung ương nhằm trao đổi tiền tệ, giúp ngân hàng trung ương có được các khoản ngoại tệ để phân phối cho giao dịch của các ngân hàng thương mại trong nước từ các ngân hàng nước ngoài. Các thỏa thuận này có mục đích cuối cùng là điều chỉnh tiền tệ lưu thông trong nước và quốc tế. Năm 2020, FED đã cung cấp và sau đó mở rộng cơ chế hoán đổi tương tự khi đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tiền mặt toàn cầu.
UBS đồng ý mua Credit Suisse
Diễn biến trên diễn ra sau khi ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã đồng ý mua Credit Suisse sau khi tăng đề nghị lên hơn 3,25 tỷ USD. Thỏa thuận giữa hai ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ sẽ được ký kết ngay sau tối 19/3 (giờ địa phương) và được định giá bằng một phần giá đóng cửa của Credit Suisse ngày 17/3.
Theo thỏa thuận này, UBS sẽ trả hơn 0,5 Franc Thụy Sĩ cho một cổ phiếu của Credit Suisse bằng cổ phiếu của chính mình, tăng từ mức giá 0,25 Franc Thụy Sĩ vào đầu ngày 19/3, nhưng thấp hơn nhiều so với giá đóng cửa 1,86 Franc Thụy Sĩ của Credit Suisse ngày 17/3.
Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã đồng ý cung cấp hạn mức thanh khoản 100 tỷ USD cho Credit Suisse theo một phần của thỏa thuận.
Credit Suisse - ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ 2 của Thụy Sĩ - đã chịu nhiều áp lực sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ là Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng Signature (SB). Giá trị thị trường của ngân hàng này đã bị ảnh hưởng nặng nề do những lo ngại về hiệu ứng "domino" sau vụ sụp đổ của SVB và SB, cùng với việc công bố báo cáo thường niên của Credit Suisse, trong đó chỉ ra những điểm yếu quan trọng trong kiểm soát nội bộ.
Trong tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã hoan nghênh hành động nhanh chóng của giới chức Thụy Sĩ để xử lý cuộc khủng hoảng của Credit Suisse. Theo bà Lagarde, hành động của giới chức Thụy Sĩ là nền tảng để khôi phục thật tự thị trường và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Bà cho biết thêm khu vực ngân hàng giao dịch bằng đồng euro vẫn ổn định, có vốn và khả năng thanh khoản mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư và chiến lược gia cho rằng vẫn tồn tại những yếu tố gây biến động thị trường tài chính toàn cầu ngay cả sau hai diễn biến mới trên.
Ông Win Thin tại ngân hàng Brown Brothers Harriman & Co (Mỹ) đánh giá: “Thỏa thuận liên quan Credit Suisse và cơ chế hoán đổi tiền tệ đã giúp trấn an ở thời điểm này. Nhưng tôi cho rằng Ngân hàng First Republic và các ngân hàng khu vực khác vẫn chưa ổn định, nên không chắc chúng ta có thể thông báo tất cả an toàn hay chưa”.
Các nhà phân tích Sharon Zollner và David Croy tại Ngân hàng ANZ nhấn mạnh: “Các ngân hàng trung ương đang cố gắng tách chính sách tiền tệ với các lo ngại về ổn định tài chính, nhưng điều đó trong thực tế khó hơn so với lý thuyết”.
Ông Gerard Macdonell tại 22V Research LLC (Mỹ) lập luận: “Đối với FED, trì hoãn tăng lãi suất vào ngày 22/3 có thể phát tín hiệu gây hoảng loạn. Động thái này còn có thể dẫn đến tăng cường áp lực lạm phát và biến động thị trường trái phiếu trong tương lai… Cũng chưa rõ việc tránh nâng lãi suất có thể giúp xử lý rắc rối tài chính trong hệ thống ngân hàng hay không”.