American Airlines và United Airlines đã trở thành hai hãng hàng không đầu tiên thông báo kế hoạch cho nghỉ việc khoảng 32.000 nhân viên, sau khi giới chức Mỹ không đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ mới cho lĩnh vực hàng không vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngày 30/9, Giám đốc điều hành (CEO) American Airlines Doug Parker cho biết hãng này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm 19.000 việc làm sau khi nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ tài chính từ chính phủ liên bang gặp thất bại.
Trong một bức thư, ông Parker cho biết do các quan chức đã không thể đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ COVID-19, American Airlines sẽ phải bắt đầu "quy trình khó khăn" cho nghỉ việc 19.000 nhân viên. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ hy vọng rằng nếu các nghị sĩ có thể đạt được một thỏa thuận về gói hỗ trợ mới, kế hoạch cắt giảm nhân viên này sẽ được hủy bỏ và các nhân viên sẽ được mời trở lại làm việc.
Tương tự American Airlines, cùng ngày, CEO United Airlines Scott Kirby cũng thông báo bắt đầu kế hoạch cắt giảm 13.000 việc làm, gọi quyết định này "đánh dấu một ngày đáng buồn" đối với toàn thể nhân viên của hãng. Ông cũng để ngỏ khả năng sẽ hủy bỏ kế hoạch sa thải nhân viên hàng loạt này nếu chương trình viện trợ của quốc hội "được gia hạn trong một vài ngày tới".
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành hàng không thế giới nói chung và tại Mỹ nói riêng. Từ tháng 3 vừa qua, các hãng hàng không Mỹ đã phải tạm ngừng khai thác nhiều đường bay hoặc hoãn tiếp nhận các đơn bàn giao máy bay đã đặt để hạn chế chi phí phát sinh trong bối cảnh đại dịch làm tê liệt ngành hàng không toàn cầu trong nhiều tháng.
Khi nền kinh tế Mỹ dần mở cửa trở lại, các hãng hàng không cũng đang chật vật tìm lại nguồn khách vốn còn mang nặng tâm lý lo ngại dịch bện. Trong khi đó, các tuyến bay quốc tế vẫn đang vận hành ở mức khiêm tốn vì các biện pháp hạn chế trên thế giới vẫn còn hiệu lực. Thực trạng này cũng khiến doanh thu các hãng hàng không sụt giảm khi American Airlines báo lỗ 5 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, trong khi con số này của United Airlines là 3,3 tỷ USD.
Tháng 3 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES), trong đó ngành vận tải hàng không nhận được gói cứu trợ trị giá 25 tỷ USD trên tổng số 2.200 tỷ USD ngân sách hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế vượt qua đại dịch COVID-19, với điều kiện họ không cắt giảm việc làm không tự nguyện cho đến cuối tháng 9.
Trước thời điểm gói cứu trợ này hết hiệu lực vào ngày 1/10, Bộ Tài chính Mỹ ngày 30/9 thông báo đã đạt thỏa thuận cung cấp các khoản vay trị giá 25 tỷ USD cho 7 hãng hàng không lớn của nước này, trong đó có American Airlines và United Airlines, để giảm thiểu những tác động tiêu cực dịch COVID-19 tới thị trường việc làm trong nước. Tuy nhiên, thỏa thuận này không bao gồm điều kiện cấm các hãng hàng không cắt giảm việc làm.
Ngoài hàng chục nghìn nhân viên mất việc trong American Airlines và United Airlines, khoảng 17.000 nhân viên khác trong ngành hàng không Mỹ cũng đã được thông báo có nguy cơ phải nghỉ việc.