Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gửi đồ lễ đến đền Yasukuni với tư cách là Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 10/2021, ông đã không đến viếng mà chỉ gửi đồ lễ vào các dịp lễ mùa Thu và mùa Xuân.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của đảng LDP Koichi Hagiuda và hơn 20 nghị sĩ khác cũng đã tới viếng đền Yasukuni.
Trước đó, vào ngày 13/8, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã đến viếng đền Yasukuni. Ông Nishimura là bộ trưởng đầu tiên trong chính phủ đến viếng ngôi đền này kể từ khi Thủ tướng Kishida cùng nội các nhậm chức vào năm ngoái.
Phản ứng trước động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã kêu gọi Nhật Bản "rút kinh nghiệm từ lịch sử, đoạn tuyệt với chủ nghĩa quân phiệt và tránh làm mất lòng tin hơn nữa với các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế”.
Trong khi đó, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, chính phủ nước này đã bày tỏ thất vọng sâu sắc về chuyến thăm đền Yasukuni của các quan chức và nghị sĩ Nhật Bản. Phía Hàn Quốc cũng hối thúc các quan chức Nhật Bản đối mặt với lịch sử và nhìn nhận lại một cách chân thành về hành động trong quá khứ.
Đền Yasukuni là nơi thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới II, trong đó có cả những nhân vật mà các nước láng giềng coi là các tội phạm chiến tranh hạng A. Hàn Quốc và Trung Quốc coi đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật thế kỷ XX. Các chuyến viếng thăm ngôi đền này của các nhà lãnh đạo hay nghị sĩ Nhật Bản đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hai nước láng giềng Đông Bắc Á.