Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết hạn chế quyền lực chiến tranh của Tổng thống Trump

Ngày 9/1 (sáng 10/1 theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống Donald Trump trong việc sử dụng quân đội tấn công Iran.

Chú thích ảnh
Trụ sở Quốc hội Mỹ tại Washington D.C. Ảnh: Washington Post

Với tỷ lệ 224 phiếu thuận và 194 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết một mang tính ràng buộc pháp lý nói trên, theo đó yêu cầu Tổng thống Trump phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội trước khi phát động chiến tranh với Iran.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng phải dừng ngay việc sử dụng quân đội Mỹ để tấn công Iran, trừ phi Quốc hội tuyên bố chiến tranh với Iran hoặc thấy cần thiết phải tự vệ trước một đòn tấn công sắp diễn ra.

Nghị quyết do nữ Hạ nghị sĩ Dân chủ Elissa Slotkin bảo trợ. Trong tuyên bố trước khi Hạ viện bỏ phiếu, bà Elissa Slotkin nêu rõ: "Nghị quyết này nhằm phát đi tín hiệu rõ ràng rằng nếu tổng thống muốn kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến, ông ấy cần nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội".

Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi Mỹ và Iran leo thang căng thẳng đầy nguy hiểm, đẩy hai nước có thời điểm đến bên bờ vực chiến tranh. Ngày 3/1, Lầu Năm Góc đã không kích và sát hại Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Đáp trả hành động này, rạng sáng 8/1, Iran đã mở cuộc tập kích bằng hàng chục quả tên lửa nhằm vào các cơ sở quân sự Mỹ ở Iraq.

Chú thích ảnh

Cùng ngày, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết quân đội nước này đang cân nhắc tiến hành những điều chỉnh có thể đối với hoạt động phòng thủ ở Trung Đông sau khi Iran tiến hành loạt vụ tấn công tên lửa vào Iraq, quốc gia mà Tehran có ảnh hưởng.

Theo quan chức trên, Iran – theo dự báo sẽ tiếp tục trả đũa sau vụ Mỹ sát hại Tướng Qasem Soleimani – được đánh giá là nhiều khả năng tấn công vào các vị trí của Mỹ ở một quốc gia khác.

Quân đội Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng không Patriot ở những địa điểm khác ở Trung Đông như Saudi Arabia với khả năng bắn hạ các tên lửa được phóng đi từ Iran. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không có được khả năng này tại căn cứ không quân al-Asad ở Iraq, nơi đã bị ít nhất 11 quả tên lửa đạn đạo của Iran đánh trúng trong vụ tấn công hôm 8/1. 

Trong bài diễn văn gửi người dân Mỹ sáng 8/1 từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định sẽ không bao giờ để Iran có được vũ khí hạt nhân. Ông lên án vụ tấn công của Iran vào các cơ sở của Mỹ ở Iraq, song khẳng định không có người Mỹ hay người Iraq nào thương vong nhờ có các biện pháp phòng ngừa và cảnh báo sớm hoạt động hiệu quả.

Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố Washington sẽ lập tức áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt kinh tế vô cùng cứng rắn nhằm vào Iran sau vụ tấn công tên lửa nói trên, trừ phi Tehran thay đổi cách hành xử. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Washington sẽ không trả đũa các vụ tập kích tên lửa của Iran, qua đó tạm thời dọa dịu quan ngại đối đầu giữa hai nước leo thang thành một cuộc chiến toàn diện.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 9/1, Tổng thống Trump tuyên bố Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Tehran sau loạt vụ tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ đồn trú của quân đội Mỹ ở Iraq.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Xuất hiện video vật thể nghi tên lửa bắn trúng máy bay Ukraine
Xuất hiện video vật thể nghi tên lửa bắn trúng máy bay Ukraine

Giữa nghi vấn máy bay Ukraine rơi do trúng tên lửa, trên nhiều trang mạng vừa xuất hiện video mới cho thấy một vật thể nghi tên lửa dẫn đường phóng trúng chiếc phi cơ giữa bầu trời đêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN