Twitter – Phương tiện ngăn chặn chiến tranh Mỹ-Iran?

Các dòng đăng trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đêm 7/1 cho thấy các lãnh đạo thế giới có thể biết người kia nghĩ gì một cách nhanh chóng và trực tiếp hơn bao giờ hết trong thời điểm khủng hoảng.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran (trái) và Tổng thống Trump. Ảnh: TehranTimes

Theo tờ Wired, Twitter là nơi cả Iran và Mỹ đều tìm tới để đảm bảo đêm căng thẳng ở Trung Đông sau khi Iran phóng tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq không leo thang thành cuộc chiến tranh toàn diện.

Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Zarif đều đăng lên Twitter thông điệp rằng không bên nào muốn cuộc các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng biến thành chiến tranh thực sự.

Chuyên gia về Trung Đông Ian Goldenberg gọi những gì mà hai quan chức trên nói trên mạng xã hội là “twitter giảm căng thẳng thời gian thực”.

Ông Trump và Zarif đưa ra thông điệp chỉ vài giờ sau khi Iran nã hàng chục quả tên lửa vào hai căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq để trả đũa việc Mỹ sát hại chỉ huy lực lượng Quds của Iran là Thiếu tướng Qasem Soleimani.

Các dòng tweet là giải pháp quan trọng thời hiện đại đối với thách thức mà lãnh đạo thế giới đối mặt khi muốn liên lạc giữa các quốc gia lúc khủng hoảng bùng phát. Đó là phương thức liên lạc cần thiết để vừa hiểu ý đồ của đối phương vừa phát đi thông điệp của chính mình.

Tại thời kỳ căng thẳng đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, các lãnh đạo lo lắng vì liên lạc thời đó giữa Mỹ và Nga rất chậm chạp. Đại sứ quán Mỹ ở Moskva mất gần 12 tiếng mới mã hóa được một thông điệp dài 2.750 từ, tương đương 5 trang đánh máy, để gửi đi từ Liên Xô.

Về phần mình, mỗi khi Đại sứ quán Liên Xô tại Washington cần gửi thông điệp gì về Moskva, họ phải phụ thuộc vào người đưa thư bằng xe đạp của văn phòng Western Union ở Washington. Đại sứ Anatoly Dobrydin gần đây nhớ lại trong hồi ký: “Sau khi người đưa thư đạp xe mang theo bức điện khẩn của tôi, chúng tôi ở đại sứ quán chỉ biết cầu nguyện anh ta chuyển nó đi mà không chậm chễ hoặc anh ta không dừng lại trên đường nói chuyện với cô gái nào”.

Khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đề xuất thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng, ông đã rất lo lắng khi các diễn biến diễn ra quá nhanh mà thông tin liên lạc lại chậm. Thay vì truyền thông điệp theo kênh thông thường, ông đã cho đọc to bức thư trên đài phát thanh Moskva để mong phía Washington nhận được nhanh.

Trong những năm sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Mỹ và Liên Xô tìm cách để tăng cường liên lạc trực tiếp. Họ thiết lập máy điện báo, lắp ở Lầu Năm Góc và Điện Kremlin. 

Chú thích ảnh
Dòng tweet của Ngoại trưởng Iran. Ảnh: Wired

Trong thực tế, người ta nhận ra tầm quan trọng của việc viết mọi thứ rõ ràng để tránh hiểu sai, hiểu lầm, dịch nhầm. Họ hiểu rằng phát ngôn chính xác thời khủng hoảng có vai trò quan trọng.

Bài học đó vẫn đúng trong cuộc khủng hoảng Iran-Mỹ hiện nay.

Trao đổi thông điệp thông qua Twitter giữa Mỹ và Iran đêm 7/1 đã giúp tháo ngòi căng thẳng. Những thông tin như Iran nã tên lửa vào căn cứ Mỹ, Mỹ điều máy bay chiến đấu nhằm vào Iran, Iran phóng nhiều tên lửa hơn, Iran không phóng thêm tên lửa, Tổng thống Trump sẽ phát biểu từ Phòng Bầu dục, rồi Tổng thống Trump sẽ không phát biểu nữa… đều xuất hiện trên Twitter.

Những dòng tweet đó cho thấy từng phút trôi qua, dường như chiến tranh sắp xảy ra. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đã phát thông báo khẩn, cấm máy bay Mỹ hoạt động trên bầu trời Iran, Iraq, Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman. Dường như đó là cảnh báo rằng cuộc tấn công quân sự có thể tiếp diễn.

Sau đó, xuất hiện dòng tweet lúc 21 giờ 32 (giờ Miền Đông Mỹ) của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói rằng Iran đã hoàn tất cuộc trả đũa tương xứng: “Iran đã thực hiện và hoàn tất biện pháp tương xứng để phòng vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc nhằm vào căn cứ đã hèn nhát mà từ đó họ tấn công công dân và quan chức cấp cao của chúng tôi. Chúng tôi không muốn leo thang chiến tranh nhưng sẽ tự vệ trước hành động gây hấn”.

Ông Zarif, người nói tiếng Anh thành thạo và từng học ở Mỹ, từ lâu đã dùng tài khoản Twitter có 1,4 triệu người theo dõi để làm phương tiện truyền tải quan điểm của Iran trực tiếp tới phương Tây.

Chú thích ảnh
Dòng tweet của Tổng thống Trump. Ảnh: Wired

Chỉ 12 phút sau, tài khoản Twitter có 70 triệu người theo dõi của Tổng thống Trump đã đăng những thông điệp có giọng điệu tương tự: “Tất cả đều ổn”. Ẩn ý rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ không đẩy chuyện này đi xa thêm nữa, ít nhất là đêm nay.

Ông Timothy Peterson thuộc tổ chức Cane Island Alternative Advisors nhận định: “Thật kỳ diệu khi ngoại giao đang diễn ra trên Twitter trước sự chứng kiến của công chúng và theo giời gian thực… Phải chăng Twitter đã giúp đẩy lùi chiến tranh?” 

Cả đêm đó, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Zarif không đăng thêm dòng tweet nào nữa.

Sau nhiều tuần hoạt động dày đặc trên Twitter, có ngày đăng tới hàng trăm dòng tweet, việc Tổng thống Trump im lặng suốt 13 giờ trên Twitter từ lúc đó cho tới lúc ông phát biểu sáng 8/1 tại Nhà Trắng là một trong những khoảng thời gian im ắng nhất của ông trên mạng.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump nhận định căng thẳng với Iran sẽ vẫn ở mức cao và Mỹ sẽ gia tăng trừng phạt. Tuy nhiên, sẽ không có chiến tranh, ít nhất là tại thời điểm này, mà Twitter là phương tiện trung gian góp phần quan trọng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Những kịch bản tiếp theo của xung đột Mỹ - Iran
Những kịch bản tiếp theo của xung đột Mỹ - Iran

Dù nguy cơ chiến tranh đã tạm thời qua đi, song vẫn còn đó một số kịch bản có thể đưa cuộc xung đột hiện nay giữa Iran và Mỹ đối đầu toàn diện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN